Tôi chen vào hỏi, anh nhớ nhất điều gì về thành phố. Đôi mắt khách bỗng tối sầm, anh bùi ngùi: “Lúc nào cũng cồn cào quay quắt, có cả triệu thứ để nhớ. Cái gì anh cũng nhớ, nên không thể trả lời nhớ nhất điều gì”.
Những chia sẻ của người xa thành phố hơn hai mươi năm, nghe cảm động xót xa. Lời của anh đã chạm vào giấc mơ thuần khiết bao năm của tôi.
Không phải bây giờ mà từ những năm 90 của thế kỉ trước, xóm tôi đã có rất nhiều người vào Sài Gòn kiếm sống. Mỗi lần có người từ TP Hồ Chí Minh về, xóm đang lặng lẽ bỗng râm ran huyên náo. Vui từ đầu ngõ, cả người xa quê và người ở nhà đều muốn nói, hỏi đủ thứ chuyện. Hồi đó, tôi còn nhỏ, tính hóng chuyện và rất đỗi tò mò.
Đặc biệt, những câu chuyện ở phố lôi cuốn tôi. Men theo những lời kể, lúc dông dài khi đứt đoạn, tôi hình dung thành phố rộng lớn với những ngôi nhà lộng lẫy, ban ngày nhộn nhịp, đêm về lấp lánh.
Tôi tưởng tượng tòa lâu đài, bàn tiệc, những trái nho tươi ngọt, những chiếc bánh kem tinh xảo, những viên kẹo mê ly được đặt trên những chiếc đĩa sứ bóng… Tóm lại, nghĩ về thành phố xa xôi đó, tôi luôn dành sự tưởng tượng độc đáo nhất.
Nhưng đọng lại trong tôi vẫn là những câu chuyện về tủ bánh mì 0 đồng, cửa hàng cơm từ thiện. Thân thiện, cởi mở, xem cho đi như một sự hàm ơn. Hiểu rồi, vẻ đẹp thực sự của phố là đây. Linh hồn phố là người phố chăm chỉ, năng động, nghĩa tình.
Mãi đến năm 18 tuổi, tôi năn nỉ mẹ được vào thành phố thi đại học. Mẹ bảo nhà không có tiền. Cho đến năm 28 tuổi, sau một giấc ngủ dài, tôi mở mắt ra lại đang ở Sài Gòn. Cuộc sống chưa có phép màu với tôi, không phải đang lang thang giữa lòng phố thị, mà tỉnh dậy trong phòng bệnh với khuôn mặt méo mó.
Cuộc đời lắm cao trào, tôi sốc chí mạng vì đi chưa hết nửa đoạn đường của kiếp người lại gặp quá nhiều tai ương. Nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn mang ơn thành phố này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa tôi về từ cõi chết - sau một tai nạn giao thông thương tâm.
Ngày xuất viện, thần trí còn lù mù hoảng loạn, tôi chưa kịp nhìn mặt thành phố của trái tim. Trong lúc chờ xe, tôi muốn được ăn một tô hủ tiếu. Ăn xong, mẹ cẩn thận mở cây kim bị rút tờ tiền chẵn cuối cùng, chủ quán lắc đầu. Chị chủ quán bảo quà tạm biệt Sài Gòn.
Thấy mẹ chưa chịu nhận quà, anh chồng xua tay nói: Lần sau ghé lại, sẽ lấy gấp đôi. Đó là một tiểu tiết đáng nhớ, trên suốt chặng được về nhà, mẹ liên tục xuýt xoa, người Sài Gòn nhơn đức lạ, gần hai tháng nuôi con, mẹ chỉ ăn cơm từ thiện.
Được một thời gian, tôi lại khăn gói vào phố tái khám. Lần này đi với em gái.
Xe dừng ở Bến xe miền Đông khi trời còn chưa nhìn rõ mặt. Đang chao đảo ngật ngừ vì say xe thì có một anh tấp xe lại hỏi: “Hai cô về đâu, để tui chở nghen?!”. Tôi nói: “Anh chở hai chị em luôn nghen?!”, “Hai cô thông cảm, tui hông chở ba”. Tôi trấn an: “Chen giờ không có cảnh sát giao thông đâu, có gì sẽ nói bị bệnh, cần người ngồi sau đỡ”.
Cứ tưởng sẽ thuyết phục được nhưng anh trả lời kiên quyết: “Không phải có công an hay không mà chở ba có an toàn không?”. Tôi cố nài: “Thì anh chạy cẩn thận chút!”. “Tui chạy cả đời chớ ngày bữa gì mà liều mạng cô ơi!”. Xe dừng trước cổng bệnh viện.
Trời bất ngờ mưa, anh lấy chiếc áo mưa trong cốp xe đưa cho tôi. Thấy tôi tái xanh, anh chạy đi mua dùm lốc sữa và cái bánh bao. Lúc anh quay xe đi đón em gái đang chờ, tôi đã nhìn theo anh như nhìn một… người hùng.
Khám bệnh xong, tôi về chỗ anh Thế vốn là người cùng xóm. Anh Thế đang là chủ đại lý vé số ở Sài Gòn, nuôi đội quân khoảng hai mươi người từ quê ra, trong đó có thím Chơn của tôi.
Hỏi thăm thì biết thu nhập bán vé số ở đây khá cao so với làm ruộng. Thím Chơn tấm tắc khen: “Người ở đây thảo ăn ghê lắm lận. Không mua vé số thì cho chai nước, đĩa cơm”. Rồi thím kể, ngay chỗ ngã tư đường, có quán cơm tấm nhỏ của một chị đơn thân.
Mẹ nhân từ và hai đứa trẻ lễ phép. Không những bán rẻ cho những người bán vé số mà những ngày nhà có cúng kính, chị sẽ kêu mấy cô chú bán vé số lại ăn trưa, còn gửi bánh đem về.
Nghe thím kể, tôi ngấm ngầm ngưỡng mộ người phụ nữ đơn chiếc đó, bỏ qua những thua buồn, chị vẫn lặng lẽ cho đi giữa cuộc đời. Tôi nói với thím Ba, có dịp vào lần nữa, con sẽ ghé quán chị ấy dùng cơm.
Từ biệt Sài Gòn, tôi ấn tượng với nhận xét của anh Thế: “Đất này cưu mang được hết, từ người có bằng cấp đến kẻ không tấc đất cắm dùi”. Một câu nói, một lần gặp có tác dụng thức tỉnh. Tôi không còn lí do để buồn bã với những bất hạnh nữa. Bỏ qua bi thiết đời riêng, tôi sẽ sống tốt, sống yêu thương như lời tri ân thành phố đã tái sinh tôi…