Người Sài Gòn chung tay chống dịch
Chỉ trong một thời gian ngắn, số ca dương tính với Covid-19 tại Việt Nam tăng nhanh. Riêng TPHCM ghi nhận 5 ca mới với người nước ngoài nhập cảnh là chủ yếu. TP đang chủ động cách ly các ca bệnh dương tính, diện F1, F2, cũng như siết các hoạt động tụ tập đông người, cách ly diện rộng khu vực có người nhiễm… Cuộc sống của người dân vì thế bị ảnh hưởng.
Ta nghiêm túc, Tây thờ ơ TPHCM đã cách ly toàn bộ hơn 1.000 cư dân tại chung cư Hòa Bình, quận 10 và khu vực dân cư khu vực Nhà thờ Sao Mai, phường 7, quận Tân Bình vì ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Việc cách ly diện rộng, với yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến không ít gia đình dở khóc dở cười.
Ảnh hưởng đầu tiên chính là cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình bị đảo lộn, kế đến là công ăn việc làm, rồi sinh hoạt bán buôn. Qua điện thoại, chị Nguyễn Thanh Phương - nhà khu vực chung cư Hòa Bình, quận 10 cho biết, nhận lệnh cách ly từ UBND quận 10 gia đình trở tay không kịp.
Ngoài việc đón nhận nguồn tiếp tế nhu yếu phẩm từ đơn vị phụ trách, mọi liên lạc với người thân, khách hàng của chị đều qua điện thoại.
“Rất nhiều vấn đề nảy sinh do cách ly. Giờ muốn qua nhà mẹ đẻ bên Bình Thạnh thăm nuôi cũng không thể đi đành phải nhờ họ hàng, bà con giúp đỡ. Dù lòng vẫn khó thoát khỏi cảm giác tù túng, ngột ngạt khi cuộc sống gần như chuyển sang một hoàn cảnh hoàn toàn khác nhưng mình ủng hộ biện pháp cách ly vì tình hình dịch bệnh chung của TPHCM.
Mong dịch bệnh nhanh qua, những người có nguy cơ dịch tễ nên chủ động khai báo và có trách nhiệm với cộng đồng hơn” - chị Phương chia sẻ.
Trong lúc người dân TP thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch thì vẫn còn rất nhiều du khách nước ngoài thờ ơ. Bà Lê Nguyên Hân - chủ quán cà phê Cỏ Úa trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) nói: “Mấy ông người nước ngoài sang đây du lịch, 10 ông thì hết 7 ông không đeo khẩu trang.
Đọc báo thấy TPHCM có thêm mấy ca dương tính Covid-19 toàn là du khách nhập cảnh vào Việt Nam du lịch mà bức xúc. Tôi nghĩ TP cần lập đội tuần tra, xử lý nghiêm những du khách không tuân thủ” – bà Hân nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1 cho biết: “Quận đã chính thức tạm dừng hoạt động kinh doanh của các vũ trường, quán karaoke, quán bar để phòng chống dịch Covid-19 vì môi trường này rất dễ lây lan dịch bệnh.
Về vấn đề du khách nước ngoài đến TPHCM du lịch nhưng không thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng chúng tôi ghi nhận và sẽ có giải pháp thực hiện nhắc nhở họ việc này thông qua tuyên truyền, cũng như trực tiếp từ lực lượng phản ứng nhanh.”
Chấp nhận thiệt hại vì cái chung
Dù lệnh tạm dừng hoạt động kinh doanh của các vũ trường, quán karaoke, quán bar để phòng chống dịch Covid-19 mới chỉ có hiệu lực qua một ngày, tuy nhiên công việc kinh doanh làm ăn của nhiều người đã bị tác động rất lớn từ gần tháng qua khi sức mua, lượng khách sụt giảm.
Thực tế, rất nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng ăn uống, quán nhậu, shop thời trang tại các khu phố được xem là sầm uất nhất của TPHCM như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 1), Phan Xích Long, D2, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) hay Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần (quận 3)… đã phải trả mặt bằng, thậm chí đóng cửa vì không có khách.
Anh Nguyễn Thanh Phương - chủ tiệm Game Online T&T trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết, dù mặt bằng anh thuê 80 triệu/tháng. Nhưng hơn 2 tháng qua anh phải bù lỗ tiền mặt bằng và nhân viên trên dưới 50 triệu vì không có khách.
“Ảnh hưởng thì quá rõ ràng. Không chỉ riêng tôi mà mọi người dân của TPHCM, mọi ngành nghề đều chịu chung sự ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Giờ TPHCM ban hành lệnh cấm mở cửa đến hết tháng 3 thì coi như mất thêm 100 triệu bù lỗ cho tháng này nữa. Nếu dịch mà còn phức tạp, kéo dài chắc chắn tôi phải trả mặt bằng và bỏ cọc dù mới ký với chủ nhà 2 năm” - anh Phương tâm sự.
Các khu vực vốn luôn là điểm đến tấp nập của giới trẻ, dân ăn nhậu như phố cá kèo bà Huyện Thanh Quan (Q.3), con đường thời trang Nguyễn Trãi (quận 1), Phố ẩm thực Bùi Thị Xuân hay khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (quận 1) không khí đều khá ảm đạm. Nhiều tuyến phố thường ngày vào tầm giờ trưa hay tan tầm luôn rất nhộn nhịp thì nay vắng lặng đến không ngờ.
Anh Lương Ngọc Thanh - đại diện chủ quán nhậu 5 Ku trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cho biết, doanh số của quán hơn tháng nay giảm đi đáng kể. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy lượng khách giảm nhiều đến vậy.
Thực trạng này không chỉ của riêng 5 Ku mà cả các quán nhậu vốn nổi tiếng quanh khu vực Bà Huyện Thanh Quan - Tú Xương - Nguyễn Thông này đều vắng khách. Chịu thiệt chắc chắn người kinh doanh như chúng tôi sẽ phải đối mặt rồi. Nhưng giờ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thế này thì phải chấp nhận vì cái chung của TPHCM làm sao khác được” – anh Thanh cho biết
Để chung vai với người dân trong cơn khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh từ cuối tháng 2/2020. Hiện các cơ quan hữu quan của TPHCM thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tình hình bị dịch Covid-19.
“Nếu phát hiện người dân hoặc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 đang gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hang thì phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.
Cơ quan quản lý ngân hàng TPHCM sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp theo các quy định pháp luật và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đó” - ông Tô Duy Lâm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thông tin.