Thành phố nổi bền vững đầu tiên trên thế giới

GD&TĐ - Thành phố nổi OCEANIX Busan có mục đích cung cấp công nghệ đột phá cho các thành phố ven biển đang đối mặt với tình trạng thiếu đất trầm trọng do các mối đe dọa về khí hậu.

Các khu phố nối với nhau bằng những cây cầu.
Các khu phố nối với nhau bằng những cây cầu.

Trước mối đe dọa do mực nước biển dâng cao, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cùng thành phố Busan (Hàn Quốc) và công ty công nghệ xanh OCEANIX có trụ sở tại Mỹ đã công bố một nguyên mẫu thành phố nổi bền vững đầu tiên trên thế giới có tên OCEANIX Busan.

Thành phố này nằm trong dự án giúp người dân ở các khu vực ven biển yên tâm sinh sống.

Bền vững và có tính phục hồi cao

Thành phố nổi OCEANIX Busan có mục đích cung cấp công nghệ đột phá cho các thành phố ven biển đang đối mặt với tình trạng thiếu đất trầm trọng do các mối đe dọa về khí hậu.

Thành phố này sẽ đóng vai trò là “thành phố nổi bền vững nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới”, trở thành “một cơ sở hạ tầng chống ngập lụt và dâng lên cùng với nước biển”. Nó có thể tự cung cấp thực phẩm, năng lượng và nước.

OCEANIX Busan có các hệ thống tích hợp với nhau, bao gồm hệ thống không rác thải, hệ thống nước khép kín, hệ thống thực phẩm, hệ thống không tiêu tốn năng lượng hóa thạch và cũng không phát thải khí carbon ra môi trường, hệ thống giao thông sáng tạo và tái tạo môi trường sống ven biển.

Các hệ thống này được kết nối với nhau và sẽ tạo ra 100% năng lượng hoạt động cần thiết tại chỗ thông qua các tấm quang điện nổi và trên mái nhà.

Mỗi khu phố sẽ xử lý và bổ sung nước của chính mình, giảm thiểu và tái chế tài nguyên, đồng thời cung cấp nền nông nghiệp đô thị sáng tạo.

Đầu tư các hệ thống cho thành phố nổi này ước tính có chi phí 200 triệu USD. Nó sẽ được bắt đầu nhờ vào “thỏa thuận lịch sử” được ký kết giữa thành phố Busan của Hàn Quốc, UN-Habitat và các nhà thiết kế Oceanix của Mỹ.

Thành phố này là nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới về một cộng đồng nổi bền vững và có khả năng phục hồi cao. Các khu phố liên kết với nhau trải rộng trên 6,3 ha có thể chứa một cộng đồng gồm 12 nghìn người. Tuy nhiên, trong tương lai, thành phố có thể được mở rộng để chứa hơn 100 nghìn người.

Bắt đầu từ một cộng đồng gồm 3 nền tảng với 12 nghìn cư dân và khách tới thăm, thành phố OCEANIX Busan có tiềm năng mở rộng lên 20 nền tảng. Các bệ nổi đi kèm với hàng chục khu vực sản xuất bên ngoài được trang bị các tấm quang điện, nhà kính có thể mở rộng và co lại theo thời gian dựa trên nhu cầu của thành phố.

Thành phố sẽ được chia thành các khu vực lân cận khác nhau, bao gồm nơi sinh sống, nghiên cứu và trường học – nhà hát, đặt trong các tòa nhà thấp tầng. Tất cả các công trình xây dựng trong thành phố không cao quá 7 tầng để tạo ra một trọng tâm thấp và cản gió.

Mùa hè ở Busan thường nóng và ẩm ướt, vì vậy các mái của tòa nhà sẽ tối đa hóa các khu vực có bóng râm ở bên trong, mang lại sự thoải mái và giảm chi phí làm mát trong khi vẫn tận dụng diện tích mái để thu năng lượng Mặt trời.

Mỗi hòn đảo của thành phố sẽ có hình lục giác và chứa một lớp phủ đá vôi cứng hơn bê tông 2 - 3 lần nhưng vẫn có thể nổi.

Các lồng bên dưới thành phố có thể được sử dụng để nuôi sò điệp, tảo bẹ hoặc các loại hải sản khác, trong khi chất thải từ cá có thể được dùng để bón cây.

Theo các nhà phát triển OCEANIX, những cư dân ở đây sẽ phải sống theo “chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật” để giảm bớt căng thẳng về không gian, năng lượng và tài nguyên nước.

Việc xây dựng thành phố nổi này ước tính có chi phí 200 triệu USD.
Việc xây dựng thành phố nổi này ước tính có chi phí 200 triệu USD.

Cột mốc quan trọng

Theo báo cáo vào tháng 2 vừa qua của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), mực nước biển dâng gây ra mối đe dọa hiện hữu với một số hòn đảo nhỏ và một số bờ biển trũng thấp.

Trong khi đó, cổng thông tin về biến đổi khí hậu Climate.gov do Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ điều hành đã chỉ ra, mực nước biển toàn cầu đã tăng từ 20,3 - 22,8 cm kể từ năm 1889. Điều đáng lo ngại hơn là 1/3 mực nước biển dâng đã diễn ra trong 25 năm qua.

OCEANIX cho biết, cứ 5 người trên thế giới thì có 2 người sống cách bờ biển 100km và ngập lụt đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Nhà thiết kế thành phố OCEANIX Busan là OCEANIX (một công ty công nghệ xanh có trụ sở tại Mỹ) chuyên thiết kế và xây dựng các thành phố nổi. Trong khi đó BIG-Bjarke Ingels Group và SAMOO (Samsung Group) chịu trách nhiệm về kiến trúc chính của dự án.

Giám đốc điều hành Philipp Hofmann của OCEANIX cho biết, đây là một cột mốc quan trọng đối với tất cả các thành phố ven biển và quốc đảo trên tuyến đầu của biến đổi khí hậu.

Công ty đang trong quá trình xây dựng thành phố OCEANIX Busan và chứng minh rằng cơ sở hạ tầng nổi có thể tạo ra vùng đất mới cho các thành phố ven biển và thích ứng với mực nước biển dâng.

Thị trưởng Busan Park Heong-joon cho biết, thành phố đã hợp tác với UN-Habitat và OCEANIX để trở thành nơi đầu tiên tạo ra mẫu thành phố nổi và mở rộng quy mô cho ý tưởng táo bạo này.

Nó sẽ rất cần thiết vì tương lai của chúng ta đang bị đe dọa khi đối mặt với mực nước biển dâng và tác động tàn phá của nó đối với các thành phố ven biển. Ông Park Heong-joon đã đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng, bao gồm việc biến Busan thành một thành phố thông minh xanh và đấu thầu tổ chức Triển lãm Thế giới 2030.

Theo bà Maimunah Mohd Sharif - Giám đốc điều hành của UN-Habitat, chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của ngày hôm nay bằng các công cụ của ngày hôm qua.

Chúng ta cần đổi mới giải pháp cho những thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, trong nỗ lực đổi mới này, chúng ta hãy hòa nhập và bình đẳng, đồng thời bảo đảm không bỏ sót ai lại phía sau.

Cuộc sống trên thành phố nổi.
Cuộc sống trên thành phố nổi.
Theo IE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ