Thành phố nào 'thông minh' nhất?

GD&TĐ - Khái niệm về thành phố thông minh đang được các đô thị lớn trên toàn cầu theo đuổi như một chỉ dấu về sự phát triển và hướng đến tương lai của mình.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong xếp hạng vừa công bố, Singapore trở thành đô thị thông minh nhất của châu Á, nhưng trên bình diện thế giới quốc đảo này chỉ đứng ở vị trí thứ 5 năm 2024.

Để đánh giá mức độ “thông minh” của các thành phố, Tổ chức International Institute for Management Development (IMD) hàng năm công bố Chỉ số Thành phố Thông minh (Smart City Index) dựa trên hệ thống các số liệu thu thập được.

Theo Chỉ số Thành phố Thông minh 2024 được IMD vừa công bố, Singapore là thành phố thông minh nhất của châu Á và cũng là đô thị duy nhất lọt vào Top 10 của thế giới trong chỉ số này với vị trí thứ 5.

Đây là bước tiến của Singapore khi năm ngoái họ đứng ở vị trí thứ 7 thế giới. Các tiêu chí khiến Singapore trở nên “thông minh” hơn là sự cải thiện khả năng cung cấp điều kiện vệ sinh cơ bản cho những khu vực nghèo nhất, sự thuận tiện của giao thông công cộng và mức độ an toàn công cộng.

Tuy năm nay Singapore có sự cải thiện về thứ hạng nhưng đây vẫn không phải là mức độ thông minh nhất mà thành phố này đạt được. Trước đó từ năm 2019 đến 2021, Singapore liên tục nắm giữ vị trí số 1 toàn cầu về Chỉ số Thành phố Thông minh, trước khi bị tụt xuống hạng 7 năm 2023. Năm 2022 IMD không công bố chỉ số này vì các nhà nghiên cứu tiến hành cải tiến phương pháp luận và tính toán.

Dù có sự tụt hạng những năm gần đây thì Singapore vẫn là “nhà vô địch” về số năm nắm giữ vị trí số một thế giới về thành phố thông minh. Nếu so sánh với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á càng cho thấy sự nổi bật của Singapore, khi thành phố có thứ hạng cao thứ hai trong khu vực này năm 2024 là Kuala Lumpur (Malaysia) chỉ đứng thứ 73. Còn Bangkok (Thái Lan) xếp thứ 84, Hà Nội thứ 97 và Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 105.

Có tổng cộng 142 thành phố trên thế giới được đưa vào xếp hạng chỉ số thành phố thông minh. Các vị trí xếp trước Singapore năm 2024 lần lượt là Zurich (Thụy Sỹ), Oslo (Na Uy), Canberra (Australia) và Geneva (Thụy Sỹ). Các thành phố khác xếp sau Singapore trong Top 10 lần lượt là Copenhagen (Đan Mạch), Lausanne (Thụy Sỹ), London (Anh), Helsinki (Phần Lan) và Abu Dhabi (UAE).

Dễ nhận thấy Thụy Sỹ là quốc gia sở hữu nhiều thành phố thông minh nhất trong Top 10 và trong nhóm này không có bất cứ thành phố nào của các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp hay Italy.

Quy mô các đô thị của các nước này đều quá lớn nên chưa đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí khắt khe và đặc thù cho một thành phố thông minh, nhất là mức độ sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hầu hết các dữ kiện để IMD sử dụng để tính toán xếp hạng các thành phố thông minh là dữ liệu cứng và phản hồi khảo sát từ người dân ở các thành phố. Chính vì vậy, chỉ số trên được coi là khá sát với thực tế và việc các thành phố muốn cải thiện thứ hạng không phải là việc đơn giản có thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, yếu tố công nghệ và phát triển bền vững đã trở thành then chốt khi đánh giá mức độ phát triển của một đô thị chứ không phải tài chính. Do đó, các thành phố sẽ phải thiết kế và áp dụng chiến lược để có thể chống lại một tương lai ngày càng xuất hiện bất ổn, qua đó mới có thể khiến mình trở nên “thông minh” hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ