Chính quyền thành phố Montreal đã nhất trí thông qua quyết định cấm việc dùng các túi mua sắm bằng nilon. |
Đây là thông báo của Thị trưởng thành phố Montreal Denis Corderre hồi đầu tuần này. Trong nỗ lực bảo vệ môi trường, chính quyền thành phố Montreal đã nhất trí thông qua quyết định cấm việc dùng các túi mua sắm (shopping bags) bằng nilon mà thay vào đó là túi giấy dạng nhẹ dễ phân hủy hoặc túi nhựa tổng hợp sử dụng nhiều lần.
Theo ông Corderre việc cấm dùng túi nilon thể hiện quyết tâm của chính quyền và người dân đưa thành phố Montreal trở thành một thành phố xanh, ít ô nhiễm môi trường.
Việc cấm dùng túi nilon sẽ bắt đầu từ năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở thương mại và cư dân trong thành phố có thì gian chuẩn bị, tuy nhiên ngay từ bây giờ người dân vẫn có thẻ nói không với túi nilon.
Montreal là thành phố đầu tiên ở tỉnh bang Quebec và ở Canada áp dụng lệnh cấm. Các quan chức Montreal nói rằng quyết định đã được thực hiện dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban môi trường của thành phố.
Theo số liệu do Greener Footprints, một nhóm vận động phi lợi nhuận vì môi trường có trụ sở tại tỉnh bang British Columbia công bố, mỗi năm cả nước Canada sử dụng khoảng 15 tỉ túi nilon.Nếu kết lại với nhau, số túi này sẽ là đủ để vòng 55 lần vòng quanh trái đất.
Hiện nay, giấy và túi nilon chiếm khoảng 20 phần trăm các loại chất thải sinh hoạt thu gom từ các gia đình ở Canada. Chỉ có khoảng 8% chất thải nhựa được tái chế.
Còn lại sẽ nằm trong số rác thải được chôn ở các bãi rác. Những túi nilon này không phân hủy được mà tồn tại trong lòng đất năm này qua năm khác và phải mất 500 năm mới có thể phân hủy hết.
Tác hại của túi nilon đối với môi trường gần đây được nhắc đến rất nhiều và không còn là điều quá xa lạ đối với toàn xã hội. Nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm sản xuất và buôn bán túi nilon ở các mức độ và quy mô khác nhau, tùy điều kiện kinh tế xã hội của mình.
Thủ đô Dhaka của Bangladesh là thành phố đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi nilon từ năm 2002. Rwanda, Đài Loan, Singapore, Israel, Ấn Độ, Botswana, Eritrea, Kenya, Tanzania, Nam Phi, Italia, Australia, Mỹ, Anh, Pháp, Ailen… cũng từng có những chiến dịch tương tự như cấm hoặc hạn chế sử dụng.
Mới đây, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm sử dụng túi nilon siêu mỏng trong một nỗ lực giảm ô nhiễm và tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu mỏ.
Trong mấy năm trở lại đây, nhiều thành phố ở Canada cũng nỗ lực thúc đẩy chủ trương hạn chế sử dụng túi nilon. Cần giảm thiểu sử dụng túi nilon là điều không phải bàn cãi, nhưng làm thế nào để giảm thiểu sử dụng túi nilon vẫn là vấn đề mà cả những nhà hoạt động vì môi trường, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và người dân Canada còn đang tranh luận.
Một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu lệnh cấm túi nilon có là cách cắt giảm chất thải hiệu quả? Vì sự tiện lợi của túi nilon, nên không ít người vẫn sử dụng hàng ngày.
Thậm chí hiện nay tại hầu hết các siêu thị ở Ottawa, Toronto và nhiều thành phố khác của Canada, người mua hàng phải trả thêm 0,05 đôla Canada (CAD) cho mỗi túi nilon, nhưng người mua hàng vẫn chấp nhận.
Thị trưởng Montreal Denis Coderre cho rằng việc thay đổi một thói quen là vô cùng khó khăn nhưng chính quyền Montreal có thể làm nhiều hơn những gì đã làm được để hạn chế thói quen ấy.
Chính vì thế, đã đến lúc cần áp dụng quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nilon ở những trung tâm thương mại, siêu thị trên toàn thành phố. Đây cũng là một cách tuyên truyền ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trực quan và hiệu quả.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân tuy được nâng cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề môi trường mà chưa ý thức được trách nhiệm cụ thể của mình.
Tháng 6/2013, The Weather Network, một trong những mạng lưới truyền hình rộng rãi nhất và thường xuyên tham khảo ý kiến tại Canada, từng tiến hành một cuộc thăm dò dư luận với chủ đề “cấm túi nilon có phải là một ý tưởng tốt?”. Trong số 1.443 phiếu thăm dò, có 58% bình chọn đó là ý tưởng tốt, 38% bình chọn cho là không và 4% vẫn chưa quyết định.
Kết quả cho thấy, phần lớn người dân Canada đã ý thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường. Tuy nhiên, nếu chỉ trông cậy vào sự tự giác và ý thức của người tiêu dùng thì e rằng kết quả đạt được là chưa đủ.
Đã đến lúc cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa tác động vào thị trường cũng như thói quen của người tiêu dùng. Việc chính quyền thành phố Montreal cấm hoàn toàn sử dụng túi nilon, định hướng cho người tiêu dùng thói quen dùng loại túi thân thiện với môi trường được kỳ vọng sẽ là biện pháp hiệu quả.