Thành phố “khốn đốn” tìm lao động hỗ trợ trong mùa dịch

GD&TĐ - Liên tiếp các đợt dịch xảy ra, hàng trăm nghìn học sinh ở Điện Biên phải đồng loạt nghỉ học. Các hộ dân ở thành phố, “đôn đáo” tìm người trông con. Trong khi đó, trẻ em ở các bản vùng cao lại...vào rừng.

Một số gia đình hướng dẫn con tự học ở nhà
Một số gia đình hướng dẫn con tự học ở nhà

“Chạy đôn, chạy đáo”...

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn trú tại phường Thanh Bình, Thành phố Điện Biên Phủ có hai con nhỏ. Cháu đầu tên Phú (10 tuổi) và cháu thứ hai tên Trọng (5 tuổi). Hai vợ chồng chị Cúc đều là cán bộ công tác tại các cơ quan của tỉnh Điện Biên. Mấy hôm nay, hai cháu được nhà trường cho nghỉ học theo chỉ đạo của tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Thế nên cả hai vợ chồng lại “đôn đáo” tìm người trông trẻ.

“Cháu Phú thì cũng lớn rồi, biết tự lập, tự chơi được rồi nên tôi cũng đỡ lo. Còn cháu thứ hai thì còn nhỏ, ông bà nội thì cũng còn nhiều việc khác nên không thể gửi được. Cả hai vợ chồng cũng tìm mãi mới nhờ được một người sang trông giúp cháu nhỏ để hai vợ chồng đi làm. Để hai anh em ở nhà trông nhau thì cũng chẳng yên tâm vì các cháu đang tuổi hiếu động. Nào là ổ điện, phích nước, bếp ga... Chỉ sợ các cháu nghịch nên nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn thương tích”, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Hai vợ chồng anh Tuấn có tổng thu nhập ổn định khoảng gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Mấy năm nay, vợ chồng anh đã phải thuê người giúp việc, giờ lại thuê thêm một khoảng thời gian nữa. Mỗi tháng hai vợ chồng bỏ ra khoảng 4 triệu thuê người trông con.

Trẻ nhỏ ở một số khu vực thành phố Điện Biên Phủ tự tìm sân chơi riêng trong thời gian nghỉ học
Trẻ nhỏ ở một số khu vực thành phố Điện Biên Phủ tự tìm sân chơi riêng trong thời gian nghỉ học

Trường hợp của gia đình chị Hoàng Thị Út ở tổ dân phố số 23, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ cũng vất vả không kém. Hai vợ chồng đều từ các tỉnh miền xuôi lên đây lập nghiệp. Chồng chị Út công tác trong lực lượng vũ trang. Vì nhiệm vụ công tác nên cũng ít có thời gian chăm sóc vợ con. Bởi thế, tất cả hầu như dồn hết lên đôi vai của chị Hoàng Thị Út. Lại Hải Phong - con đầu của vợ chồng chị Út năm nay đã bước sang tuổi thứ 9, còn con thứ hai là cháu Lại Hoàng Nhật Minh (4 tuổi).

Không tìm được người trông trẻ vì thời điểm này nhiều gia đình đều có nhu cầu thuê người. Không những thế, ít ai nhận lời trông trẻ theo “mùa vụ” như thời điểm hiện nay. Hai vợ chồng lại vội vã “triệu tập” người cháu từ xã biên giới Mường Lói, huyện Điện Biên (cách thành phố 70km) về nhờ trông nom giúp để hai vợ chồng tiếp tục công tác.

Gia đình anh Đỗ Viết Dũng, trú tại phường Thanh Thanh, thành phố Điện Biên Phủ có phần éo le hơn. Hai vợ chồng công tác tại hai cơ quan cấp tỉnh. Những ngày làm việc trong tuần, hai vợ chồng đành phải “nhốt” hai anh em: Đỗ Viết Duy (15 tuổi) và Đỗ Bảo An (5 tuổi) ở nhà trông nhau.

“Cũng bởi bất đắc dĩ thôi. Các cháu đã lớn, nhận thức được rồi. Nhưng để ở nhà cũng chưa hẳn đã yên tâm vì các cháu đang độ tuổi hiếu động. Thi thoảng hai vợ chồng tôi lại phải gọi điện về nhà, hỏi han, kiểm tra tình hình hai anh em ở nhà trông nhau như thế nào”, anh Đỗ Viết Dũng tâm sự.

Trẻ vùng cao theo bố mẹ vào rừng...

Một bữa ăn trưa tại trường của học sinh điểm bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ
Một bữa ăn trưa tại trường của học sinh điểm bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ

Điện Biên là địa phương có 19 dân tộc anh em sinh sống. Đồng bào sống rải rác ở các xã, bản vùng cao. Ngay khi thời điểm dịch bệnh bùng phát, các trường học tiến hành làm vệ sinh trường, lớp học, nơi ăn, ở của học sinh.

“Khi cho học sinh nghỉ thì chúng tôi tiến hành bàn giao cho phụ huynh học sinh quản lý các cháu tại gia đình. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường phân công giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên đứng lớp thường xuyên liên lạc với gia đình các em học sinh để nắm bắt tình hình quản lý các em tại địa phương. Trong trường hợp bất cứ học sinh nào có biểu hiện bất thường như: ho, sốt, khó thở... thì cán bộ, giáo viên phải hỗ trợ gia đình học sinh đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa nói.

Tủa Chùa là huyện vùng cao với nhiều đồng bào Mông sinh sống rải rác ở các xã: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Trung Thu, Lao Xả Phình, Mường Đun, Xá Nhè... Ở những địa phương này, ngày thường mỗi khi được nghỉ thì nhiều học sinh lại có mặt ở khắp các dãy đồi, sườn núi. Có trẻ thì đi chăn trâu, tắm suối, cũng có em lại lên nương theo bố mẹ.

Nhiều học sinh lên rừng kiếm củi về giúp bố mẹ
Nhiều học sinh lên rừng kiếm củi về giúp bố mẹ

“Người dân ở đây làm gì có điều kiện để thuê người trông trẻ. Họ cũng làm gì có thể mà ngồi ở nhà mà trông con được. Thế nên những cháu lớn một tí, bố mẹ lại đưa lên rừng, làm được việc gì thì làm đỡ bố mẹ chứ chẳng bắt buộc phải làm việc như lao động chính đâu”, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa tâm sự.

Bản Tà Dê (xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa) có 84 hộ gia đình đồng bào Mông sinh sống. Trong số đó, vợ chồng anh Giàng Vàng Lỳ - chị Chang Thị Dủ đông con nhất bản. Anh chị có tới 10 người con. Đứa lớn năm nay đã đến tuổi “cập kê” (16 tuổi), còn đứa nhỏ nhất mới được vài tháng tuổi.  Đa số các con của vợ chồng anh đều đang đi học. Mấy hôm nữa, nếu tiếp tục nghỉ học thì mấy bố con lại “rồng rắn” lên nương.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ