Tuy số ca mắc F0 vẫn ở mức cao nhưng sự hồi phục tích cực của nền kinh tế mang đến nhiều tín hiệu vui. Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang lên kế hoạch cho sự phục hồi của mình.
Có đủ sức “vươn mình” sau đại dịch?
TP là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực. Vì vậy, việc tập trung phục hồi du lịch TP được lãnh đạo TP xem là nhiệm vụ lớn, nhằm kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác, đồng thời là “mắt xích” quan trọng để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế nói chung.
Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, TP thu hút khoảng 6 tỷ USD, tăng từ 11% - 15% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành du lịch đã đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ 10 - 12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Vì vậy, việc phục hồi ngành du lịch của TP sau đại dịch có ý nghĩa rất quan trọng.
“Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế xã hội TP nói riêng, Việt Nam nói chung. Với những nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 lớn nhất lịch sử cũng như chuyển trạng thái từ “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19”, đến thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh tại TP đã được cải thiện. Vì vậy, ngành du lịch cần sẵn sàng chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ của mình” - ông Dương Anh Đức nói.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa cho phép khách quốc tế vào Việt Nam du lịch ngoài 1 - 2 nơi thí điểm đón khách có điều kiện. Tuy nhiên, theo ông Dương Anh Đức với các chính sách mở cửa, cũng như tỉ lệ tiêm vắc-xin phủ rộng tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm có những chính sách phù hợp, thúc đẩy cơ hội giao thương quốc tế, giúp TP sớm trở lại thành phố 24 giờ đầy sôi động, hấp dẫn, TP du lịch trong tương lai gần.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, TP đã kiến nghị Thủ tướng xin được đón khách quốc tế trong tình hình thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch. Theo đó, TP đã xây dựng quy định, quy trình cụ thể xử lý các tình huống phát sinh (xuất hiện F0 tham gia tour du lịch); kích hoạt hệ thống y tế…
“Đến thời điểm này, TP tự tin với nền tảng y tế tốt, có kinh nghiệm ứng phó với dịch; sự chuẩn bị của các doanh nghiệp cùng nhận thức của cộng đồng… Đặc biệt, với khoảng 85% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, giúp ngành du lịch TP chủ động đề xuất kế hoạch đón khách” - bà Ánh Hoa nói.
Linh hoạt với những điểm đến du lịch nội địa mới
Để thúc đẩy ngành du lịch TP “gượng dậy” sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 gần 2 năm qua, TP vừa chính khai mạc “Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2021”, mở ra chuỗi hoạt động sôi nổi của ngành du lịch TP trong 20 ngày (từ ngày 4/12 - 24/12/2021) hòa cùng không khí mua sắm, kích cầu dịp cuối năm.
Trong chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch diễn ra trước và trong Ngày hội Du lịch, TP lần lượt tổ chức cho nhiều đoàn khách quốc tế gồm các viên chức ngoại giao văn hóa, báo chí… đi tour liên tuyến TP tới một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp…. Chẳng hạn tour tham quan nhà máy trong khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi; tham gia “City tour” tại TP; trải nghiệm du lịch huyện Cần Giờ bằng tàu cao tốc; tham gia tour Biệt động Sài Gòn…
Trước đó, trong tháng 9 và tháng 10, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị lữ hành tại thành phố xây dựng 2 chương trình tour thử nghiệm “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” và “Hành trình xanh về vùng Ðất Thép”, sau khi các huyện Cần Giờ và Củ Chi xác định là “vùng xanh” kiểm soát được dịch Covid-19. Tour được tổ chức đi và về trong ngày theo hình thức khép kín với các điểm đến ngoài trời, tách biệt các khu dân cư.
Các chương trình cũng được xây dựng theo hướng về nguồn tìm hiểu lịch sử, giới thiệu những đặc trưng văn hóa, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên của hai huyện.
Trong đó, mở cửa du lịch tại Cần Giờ, Củ Chi được xem là tour đầu tiên thí điểm mô hình “bong bóng khép kín” với các cung đường, khâu đưa đón, phục vụ theo chuẩn các tiêu chí an toàn. Qua đó, ngành Du lịch TP kỳ vọng sẽ giúp mở lại thị trường nội địa, từng bước mở rộng đón khách.
Không giấu được sự thích thú khi trải nghiệm tham quan tour Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre, ông Nguyễn Văn Truyền - Việt kiều Mỹ cho biết: Đây là lần đầu tiên ông được trải nghiệm du lịch miệt vườn sông nước miền Tây. Sau nhiều tháng căng thẳng bởi dịch Covid-19, ông cùng các đồng nghiệp, bạn bè, được hít thở bầu không khí trong lành, uống nước dừa ngọt lịm, nếm thử cùi dừa tươi vừa hái từ trên cây... Tất cả đều tươi mới, sống động.
“Thật ngạc nhiên, sản phẩm từ cây dừa có thể làm được nhiều đồ thủ công mỹ nghệ đến vậy. Từ gáo múc nước, đến xà bông tắm, kẹo... Khi về thăm gia đình ở Iran, nhất định tôi sẽ giới thiệu nhiều hơn về Việt Nam và nếu có dịp sẽ cùng mọi người tiếp tục có những tour tham quan miệt vườn sông nước rất nên thơ như thế này” - ông Truyền nói.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, ngành đang kích hoạt và phục hồi ở giai đoạn 2 (1/11 - 31/12) với quyết tâm rất lớn. Hiện các sản phẩm du lịch nội địa, liên vùng ngắn ngày đang phát huy tốt khi hút được lượng khách nội địa lớn.
“Đây là giai đoạn đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...).
Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%. Khi tình hình dịch ổn hơn sẽ là giai đoạn 3 (từ đầu năm 2022), ngành Du lịch TP sẽ khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi. Chúng tôi tin với kế hoạch và lộ trình cụ thể, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm trở lại” - bà Hoa nói.