Thành phố Hồ Chí Minh: Nguy cơ trở thành "điểm nóng" sốt xuất huyết

GD&TĐ - Trong những tuần qua, TPHCM và các tỉnh Nam Bộ ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng, thậm chí có trường hợp tử vong. Theo các chuyên gia, ca tử vong do sốt xuất huyết có thể vì bệnh nhân nhập viện muộn.

Số ca sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Ảnh: HCDC.
Số ca sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Ảnh: HCDC.

Số ca mắc thực có thể nhiều hơn

Ngành Y tế dự đoán, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Tính đến giữa tháng 4, TPHCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), đây là số liệu báo động. Bởi, năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc. Song, số ca bệnh nặng là 38.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng, các chuyên gia nhận định, khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn trường hợp được ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các trường hợp bệnh nhẹ chưa được thống kê. Vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là bệnh nhân được phát hiện và nhập viện muộn.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết. Đây được xem là một loại dịch bệnh đặc hữu củaThành phố Hồ Chí Minh.

Vừa qua, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh - cũng nhận định, tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, nhất là sau 2 năm dồn toàn lực cho Covid-19. PGS.TS Tăng Chí Thượng đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, HCDC triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế. Nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.

Các biện pháp dự phòng cũng cần được triển khai. Trong đó, có biện pháp xử phạt cá nhân và đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117. Sở Y tế sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện trong thời gian sắp tới.

Nguy cơ biến chứng nặng

HCDC khuyến cáo, mỗi người dân, gia đình, cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng và muỗi để phòng sốt xuất huyết:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn. Không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

BSCKII Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, sốt xuất huyết có 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Theo chuyên gia này, đa phần bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhẹ có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần đi tái khám gần. Bởi, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang nặng trong quá trình diễn tiến.

“Sốt xuất huyết có khả năng gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, nếu không được phát hiện kịp thời”, chuyên gia cảnh báo.

Bác sĩ Tưởng cho biết, hiện, vắc-xin phòng sốt xuất huyết vẫn đang được đánh giá. Do đó, tới nay, vẫn chưa có thuốc để phòng sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (lăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu trong nhà có một con muỗi, hoặc hàng xóm có người sốt xuất huyết, các gia đình cần chú ý tìm lăng quăng.

Chuyên gia này cho biết, một số ca tử vong do sốt xuất huyết có thể là vì bị bệnh nặng hoặc nhập viện muộn. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, sốt xuất huyết không có cách ngừa nào khác ngoài diệt lăng quăng. Đồng thời, việc diệt lăng quăng quan trọng hơn diệt muỗi.

Theo HCDC, sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ