Sẽ không còn cảnh xếp hàng chờ thông quan
“Việc xuất khẩu thanh long bằng tàu hỏa cho thấy sự tiện lợi, giảm chi phí hay rắc rối phát sinh dọc đường. Với việc ga Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc có kho bãi sẵn sàng và kết nối với các tỉnh thành khác ở nước bạn, tôi thực sự hy vọng sắp tới Lạng Sơn sẽ không còn cảnh xe hàng ùn ứ ở biên giới”, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nói hôm 24/2.
Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết việc Covid-19 phát sinh, các cửa khẩu như Tân Thanh, Chi Ma bị hạn chế xuất khẩu trong một thời gian khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Lạng Sơn gặp khó khăn nhất định. “Tuy nhiên, trong cái khó lại ló cái khôn. Tôi thật sự bất ngờ và thấy vui vì xuất khẩu được nông sản qua đường sắt”.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết việc xuất khẩu qua đường sắt còn làm giảm số lượng người qua biên giới, giúp công tác phòng chống dịch tốt hơn.
Theo bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, ngày 11/2 ga này xuất chuyến đầu tiên với 7 toa thanh long sang Bằng Tường. Ngày 19/2, ga Đồng Đăng xuất khẩu 20 toa thanh long. Tổng hai đợt xuất được 460 tấn thanh long sang Trung Quốc. Khoảng 1.500 tấn quặng sắt chở trên 20 toa tàu cũng đã được xuất sang Trung Quốc.
Về nhập khẩu, Chi cục Hải quan ga Đồng Đăng đã làm 59 tờ khai, chủ yếu là sắt thép, than điện cực, hóa chất, đạt kim ngạch 5,86 triệu USD, thu thuế 12,6 tỷ đồng.
“Lần đầu tiên sau nhiều năm, thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt. Hy vọng sau này sẽ còn nhiều loại nông sản khác được đi theo cách này”, bà Phương nói.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu thanh long và hàng hóa ở ga Đồng Đăng hiện còn một số bất cập. Theo cơ quan hải quan, ga Đồng Đăng chưa có đầu máy chuyên biệt, nên hàng hóa phải lưu kho bãi chờ đầu máy từ ga khác đến. Việc này dẫn đến doanh nghiệp không thể chủ động thời gian xuất hàng.
Kho chứa hàng và hàng tạm giữ theo quy định cũng chưa có kho bãi, do đó doanh nghiệp phải lưu giữ hàng trên toa, chịu mức phí cao.
Phun thuốc khử khuẩn với các toa tàu xuất, nhập khẩu ở ga Đồng Đăng. Ảnh: Quang Dũng.
Chấn chỉnh Cty Xuân Cương thu phí cao hơn mức quy định
“Việc bốc xếp hàng hóa cũng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn với chúng tôi. Họ nói Cty TNHH Xuân Cương thu phí cao hơn quy định. Trong khi cơ quan chức năng áp mức phí tối đa khi cẩu một container lên tàu là 1,8 triệu đồng, thì Cty Xuân Cương thu tới 2,4 triệu”, bà Phương cho biết.
Đại diện Cty Xuân Cương khi bị ông Nguyễn Công Trưởng truy vấn về việc này, nói rằng “để báo cáo lại lãnh đạo Cty, sau đó hồi âm bằng văn bản”. Tuy nhiên, khi bị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hỏi tiếp về lý do thu phí cao hơn quy định, đại diện Cty Xuân Cương nói “do chưa có cẩu chuyên dụng, phải dùng hai cẩu để chuyển một container”.
“Dùng hai cẩu cũng không được phép thu phí vượt mức. Nếu Cty Xuân Cương không làm được thì để doanh nghiệp khác làm”, ông Trưởng kết luận.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết các cơ quan liên quan của Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán, có thể sẽ xuất thêm nhiều mặt hàng nông sản ngoài thanh long sang nước bạn.
Ông Phạm Đức Khái, Giám đốc ga Đồng Đăng, cho biết: “Vừa qua, hàng điện tử của Việt Nam sản xuất được vận chuyển qua ga Đồng Đăng đến ga Thành Đô, Trung Quốc, sau đó xuất tiếp sang châu Âu. Ngoài thanh long còn có dưa chuột qua ngả ga Đồng Đăng đến Trung Quốc, tiếp đó xuất sang Nga, Uzbekistan”.
Ông Khái khẳng định kho bãi phía Trung Quốc đã ổn định, thời gian đi tàu từ ga Đồng Đăng đến ga Bằng Tường chỉ 40 phút. “Sẽ rất thuận tiện cho các doanh nghiệp ở phía Nam đóng hàng lên tàu rồi chở thẳng tới Đồng Đăng”.
Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, cho biết hiện còn 400 xe container hàng hóa bị ùn ở cửa khẩu, chưa thể sang Trung Quốc. Do vậy, ông Hợp đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp chưa vội đưa hàng hóa lên biên giới để tránh thiệt hại kinh tế.