Gỗ bị đốn hạ nằm kề đội bảo vệ rừng
Lần theo địa chỉ do người dân cung cấp, trong ba ngày qua, phóng viên GD&TĐ đã xâm nhập vào những “điểm nóng” của các vụ phá rừng ở hai xã Điền Hạ và Điền Thượng (Bá Thước).
Hàng trăm cây gỗ rừng các loại có đường kính từ 16cm đến 50cm bị “lâm tặc” dùng cưa xăng cắt ngang gốc, đưa lên ô tô chở ra khỏi rừng. Điều đáng nói, con đường mà “lâm tặc” dùng ô tô vào rừng bốc gỗ lại nằm sát với Đội bảo vệ rừng Thung Chấn, xã Điền Thượng. Khu vực rừng bị đốn hạ chỉ cách địa điểm Đội bảo vệ, quản lý rừng chỉ khoảng hơn 500m.
Đội quản lý bảo vệ rừng Thung Chấn, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). |
Tại hiện trường, nhiều gốc cây gỗ rừng có vết cưa còn mới, với nhiều khúc gỗ ngổn ngang còn chưa kịp đưa ra khỏi hiện trường. Sau khi chặt phá rừng trái phép, lấy đưa gỗ ra khỏi rừng, những cành, nhánh của cây gỗ và thực bì được “lâm tặc” phóng hỏa đốt trụi, để lại những mảng rừng nham nhở.
Con đường vận chuyển gỗ của "lâm tặc" nằm sát với Đội bảo vệ quản lý rừng Thung Chấn. |
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa ngày 19/11, về việc kiểm tra tình trạng phá rừng ở huyện Bá Thước, cho thấy tại xã Điền Thượng, có nhiều lô, khoảnh thuộc tiểu khu 313 và 315 phát hiện 86 cây gỗ tạp (nhóm 6, nhóm 7) đường kính từ 15 đến 40cm bị khai thác trái pháp luật. Trong đó, rừng sản xuất có 83 cây, rừng phòng hộ có 3 cây gỗ đã lấy ra khỏi rừng.
Những gốc cây gỗ rừng ở khu vực Thung Chấn bị chặt hạ trái phép có đường kính hơn 40cm. |
Số gỗ bị khai thác trái phép nêu trên thuộc của chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc bị chặt 41 cây thuộc rừng sản xuất; chủ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành bị chặt 3 cây thuộc rừng phòng hộ; chủ rừng là UBND xã Điền Thượng bị chặt 42 cây gỗ thuộc rừng sản xuất.
Trong tổng số 86 cây gỗ bị khai thác trái phép có 14 cây đã dược Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước kiểm tra, phát hiện từ ngày 2/11, còn lại 72 cây chưa được kiểm tra, phát hiện; phần lớn gỗ khai thác này đã được đưa ra khỏi rừng.
Ở khu vực Thung Chấn, phía sau Đội quản lý, bảo vệ rừng có hàng chục cây gỗ bị "lâm tặc" đốn hạ. |
Lực lượng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành kiểm tra tại lô 69, lô 86 khoảnh 1, tiểu khu 311 thuộc thôn Bứng, xã Điền Hạ (Bá Thước) và phát hiện có việc chặt phá rừng trái pháp luật. Tổng số cây gỗ bị khai thác trái phép là 89 cây gỗ tạp (nhóm 6, nhóm 7), đường kính cây gỗ từ 16 đến 30cm trên tổng diện tích 2,06ha. Đây là rừng sản xuất có nguồn gốc là rừng tự nhiên, được giao cho 11 hộ dân trông coi, chăm sóc, bảo vệ trạng thái rừng thường xanh phục hồi.
Sẽ xử lý nghiêm khắc
Làm việc với phóng viên GD&TĐ, ông Phạm Hồng Hiệp - Chủ tịch UBND xã Điền Thượng thừa nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra hai vụ phá rừng, hiện đang chờ cơ quan chức năng xử lý. “Năm ngoái (2018), trên địa bàn xã Điền Thượng cũng đã xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi cũng đã rất cố gắng làm việc hết trách nhiệm, thế nhưng khi xảy ra sự việc thì chỉ có tôi là người bị Chủ tịch UBND huyện Bá Thước kỷ luật với mức khiển trách”, ông Hiệp nói.
Gỗ rừng bị cắt khúc chưa kịp vận chuyển ra ngoài. |
Ông Lê Duy Ngợi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước, cũng thừa nhận là trong những tháng vừa qua, trên địa bàn một số xã ở huyện Bá Thước có xảy ra tình trạng phá rừng trái phép. Trong đó, nhiều diện tích rừng ở hai xã Điền Thượng, Điền Hạ bị chặt hạ hàng trăm cây gỗ.
Đang còn nguyên cả cây gỗ bị đốn hạ |
“Là người làm công tác kiểm lâm trên địa bàn huyện Bá Thước, chúng tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở một số xã trên địa bàn huyện trong thời gian qua”, ông Ngợi chia sẻ.
Rừng ở xã Điền Thượng đang bị "chảy máu" |
Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước, qua sự việc này, từ người đứng đầu (Hạt trưởng) đến hạt phó, kiểm lâm viên địa bàn của đơn vị sẽ có giải trình, kiểm điểm trách nhiệm gửi Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa để cấp trên xử lý.
Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm huyện cũng sẽ có tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước có hình thức xử lý cán bộ, lãnh đạo UBND các xã đã để xảy ra phá rừng vừa qua.
Hơn 2 héc ta rừng bị chặt hạ, đốt trọi để trồng keo |
Trao đổi với GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Đối với việc để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép ở một số xã trên địa bàn huyện trong thời gian qua, huyện sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân có liên quan.
"Lâm tặc" chặt hạ cây gỗ rừng ở xã Điền Thượng trong diện tích quản lý, bảo vệ, chăm sóc của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc |
“Trước đây, Huyện ủy, UBND huyện cũng đã từng cách chức chủ tịch UBND xã Lũng Cao, khiển trách chủ tịch UBND xã Điền Thượng vì để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Hiện nay, lãnh đạo huyện đang yêu cầu chủ tịch UBND xã Điền Hạ và Điền Thượng viết giải trình vụ việc. Quan điểm của huyện là sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc, không có bao che đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ việc này. Khi có kết quả xử lý cán bộ vi phạm, UBND huyện sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Dũng nói.
Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.