Hàng trăm hộ dân nuôi ngao thuộc xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) và Hoàng Thường (huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa) bỗng rơi vào tình cảnh nợ nần, phá sản vì ngao chết bất thường hơn 1 tuần qua.
Chỉ tay ra bãi ngao của mình, anh Phạm Văn Ba - thôn Lộc Tiên (xã Hải Lộc - Hậu Lộc) cho biết: “Hơn một tuần nay, ngao tự dưng chết một cách khó hiểu. Chúng chết hàng loạt từ hai đầu bãi, sau đó chết lan dần vào các bãi bên trong”.
Cũng theo anh Ba, thiệt hại này còn nặng nề hơn vụ ngao chết của tháng 12/2016 do doanh nghiệp đổ hóa chất ra biển. “Hiện bãi nuôi của gia đình tôi ước tính thiệt hại khoảng trên 3 tỷ đồng” - anh Ba chua xót.
Lãnh đạo hai xã cho biết, đây là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay đối với người nuôi ngao. |
Cách đó không xa là gia đình ông Chính: “Các chú nhìn xem, ngao chết trắng bãi và bốc mùi hôi thôi. Khi phát hiện ngao chết hàng loạt, tôi mang thiết bị ra đo nồng độ nước biển thì thấy độ mặn lên cao tới 35g/1000ml”.
Theo người nuôi ngao ở xã Hải Lộc, đến thời điểm này hộ thiệt hại ít cũng mất tới 60%, hộ nhiều tới 90% lượng ngao nuôi bị chết trên bãi của gia đình. Không chỉ ngao giống mà cả ngao thịt đang chuẩn bị vào thời điểm thu hoạch cũng chết.
Người nuôi ngao đang oằn mình thu gom ngao chết trên bãi của mình. |
Gia đình ông Nguyễn Văn An, gia đình đầu tiên đưa ngao giống sinh sản về nuôi tại địa phương cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo ông An, ước tính số lượng ngao gia đình ông thiệt hại không dưới 2 tỷ đồng.
Tại xã Hoằng Thường (huyện Hoằng Hóa), lượng nga chết trước thời điểm thu hoạch cũng lớn không kém.
“Chúng bỗng dưng há vỏ rồi chết như vậy đấy. Vừa thoát qua khỏi đợt chết vì doanh nghiệp xả thải trước đó vài năm, chưa kịp gượng dậy giờ lại trắng tay” - chị Thanh, chủ nuôi ngao ở đây cho hay.
Vừa phải gom xác ngao chết trên biển, những người dân nuôi ngao còn phải bỏ thêm chi phí để đi tiêu hủy.
Những túi ngao chết được người nuôi thu vào từng túi sau đó chuyển đi đổ. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Tý - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) cho biết, khoảng hơn 1 tuần nay ngao của các hộ nuôi trên trên biển bỗng chết trắng bãi.
“Ngay sau khi nắm được thông tin, xã đã xuống xác thực, thống kê thiệt hại và báo cho cơ quan chức năng để lấy mẫu nước xét nghiệm, tìm nguyên nhân” - ông Tý nói.
Cũng theo ông Tý, toàn xã Hải Lộc có 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha, hộ thiệt hại nhiều là 100%, còn hộ ít hơn cũng chiếm tới 60-70%.
“Trong những năm qua, các hộ nuôi ngao trong xã liên tục bị thiệt hại về nuôi trồng. Có năm do thiên nhiên, có năm lại do doanh nghiệp xả thải khiến ngao chết. Tuy nhiên, thiệt hại lần này là lớn nhất” - ông Tý cho biết thêm.
Trong khi chờ kết quả từ cơ quan chức năng, nhiều gia đình ở xã Hải Lộc đang phải vật lộn với công việc thu dọn lượng ngao chết sau đó bơm nước vào nhằm làm giảm độ mặn của nước biển hòng cứu số lượng ngao còn sót lại.