Niềm vui của người nghèo
Cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền địa phương tổ chức khởi công xây dựng nhà ở cho gia đình bà Cao Thị Sợi (sinh năm 1959), ở bản Nam Tân, xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá).
Bà Sợi thuộc diện hộ nghèo của địa phương, chồng bà qua đời do bệnh tật. Các con gái của bà Sợi đã đi lấy chồng, còn người con trai duy nhất đang sinh sống, làm ăn ở miền Nam.
Hiện nay, bà Cao Thị Sợi sống một mình, chủ yếu dựa vào xóm giềng và các con gái lấy chồng ở gần. Cuộc sống của bà Sợi rất khó khăn vì đã hết tuổi lao động, mà vẫn phải tự lo cho bản thân, trong khi ngôi nhà đã mục nát, xuống cấp.
Sau khi rà soát các trường hợp khó khăn về nhà ở, chính quyền xã Nam Xuân đã xây dựng hồ sơ, đề nghị cấp trên hỗ trợ căn nhà cho bà Cao Thị Sợi có nơi ở ổn định. Hôm khởi công nhà, bà Sợi đã không cầm nổi nước mắt vì hạnh phúc.
Bà Sợi chia sẻ: “Cả đời tôi chưa bao giờ dám mơ có căn nhà mới, kiên cố để sống trong những năm tuổi già. Hôm nay, được các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh tổ chức khởi công xây dựng cho ngôi nhà mới, tôi hạnh phúc lắm. Xin cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Sắp tới, tôi sẽ không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến nữa”.
Cùng chung sự phấn khởi như bà Sợi, anh Hà Văn Chuẩn (49 tuổi), cũng ở bản Nam Tân, xã Nam Xuân (Quan Hoá), được hỗ trợ xây một căn nhà mới.
Gia đình anh Hà Văn Chuẩn thuộc diện hộ nghèo của bản. Anh Chuẩn bị tật ở chân do tai nạn xe máy, làm việc rất khó khăn và phải nuôi mẹ già 70 tuổi không có khả năng lao động, mà chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội hàng tháng.
Được hỗ trợ tiền xây nhà mới, thay thế cho căn nhà đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng, anh Chuẩn xúc động, nói: “Gia đình tôi không biết nói gì hơn, mà chỉ xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho mẹ con tôi có một nơi ở ổn định. Khi có nhà mới kiên cố, tôi không còn lo cảnh phải đi che chắn nơi ngủ cho mẹ già mỗi khi trời mưa gió, để yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và bản thân mình”.

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho người nghèo tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).
Bà Lê Thị Hằng – Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, gia đình bà Cao Thị Sợi và anh Hà Văn Chuẩn được hỗ trợ xây dựng nhà mới, với diện tích mỗi căn từ 40-50m2 . Tổng kinh phí hỗ trợ từ 100 -120 triệu đồng/nhà.
Trong đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở cấp tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng. Số tiền còn lại do anh em, họ hàng hỗ trợ và vốn tích lũy của các gia đình; các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ ngày công tháo dỡ nhà, đào móng và dọn dẹp giúp hộ dân.
Cũng theo bà Hằng, xã Nam Xuân có 568 hộ dân, với 2.528 nhân khẩu. Số hộ nghèo của xã hiện còn 37 hộ và có 79 hộ cận nghèo... Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm (số liệu thống kê năm 2024).
Thực hiện các Chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát”, năm 2024, xã Nam Xuân được phê duyệt hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 12 hộ dân, đến nay đã thực hiện xong 9 hộ, còn 3 hộ đang thực hiện.
“Năm 2025, xã Nam Xuân được phê duyệt hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 10 hộ nghèo trong 2 đợt. Đến ngày 19/3/2025, đã có 5 hộ được khởi công xây dựng, dự kiến cuối tháng 4 này, các hộ dân sẽ được vào ở trong ngôi nhà mới. Những hộ còn lại cũng đã được khởi công xây dựng nhà mới và dự kiến, sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5, bà Lê Thị Hằng - Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) thông tin.
Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ
Ông Đào Xuân Yên - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, nhiều năm qua, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát" theo Chỉ thị số 42 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa là chủ trương lớn, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái, nghĩa tình đối với người nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.
“Thanh Hóa là tỉnh duy nhất có mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà, cao nhất trong toàn quốc và cao nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Dù mức hỗ trợ lớn, nhưng toàn tỉnh có số lượng nhà phải xây dựng mới và sửa chữa rất nhiều. Trong đó, huyện Quan Hóa có tới 1.771 ngôi nhà cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa”, ông Yên thông tin.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, triển khai Chương trình có hiệu quả.
Đồng thời, huy động tối đa nguồn kinh phí, đặc biệt là việc hỗ trợ ngày công từ lực lượng công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ và nhân dân để giúp các gia đình xây dựng nhà ở, phấn đấu trước ngày 30/10/2025 hoàn thành toàn bộ số nhà đã được phê duyệt.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thanh Hóa (Ban Chỉ đạo tỉnh) cho thấy, đến ngày 25/3/2025, địa phương này đã hỗ trợ khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở được 6.089 hộ/căn nhà. Trong đó, xây mới là 4.691 hộ/căn; sửa chữa là 1.398 hộ/căn. Hiện, các huyện miền núi còn 8.977 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, trong đó xây mới 5.930 hộ/căn; sửa chữa 3.047 hộ/căn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc thực hiện Chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát” còn rất lớn. Từ nay đến 30/10/2025, bình quân mỗi ngày, Thanh Hóa phải làm xong 43 căn nhà. Nếu không quyết tâm, không quyết liệt thì sẽ khó hoàn thành.

Các lực lượng ở địa phương giúp gia đình hộ nghèo tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) xây dựng nhà ở.
Cũng theo Ban Chỉ đạo tỉnh, qua hai đợt triển khai thực hiện, có nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết, gồm: Tổng kinh phí chưa phân bổ của cả ba cấp còn rất lớn; tổng kinh phí cần phải huy động cũng rất lớn; các huyện miền núi còn 8.977 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; danh sách các hộ gửi xuống tỉnh còn sai sót nhiều...
Bên cạnh đó, các huyện báo cáo về tỉnh còn chậm; một số huyện vướng mắc về thủ tục đất đai; việc huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể ở một số địa phương để hỗ trợ ngày công xây dựng chưa thật tốt; giải ngân chậm...
Do đó, ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu 11 huyện miền núi phải rà soát lại một cách chính xác danh sách các hộ cần hỗ trợ, báo cáo về Sở Dân tộc và Tôn giáo; Ủy ban MTTQ tỉnh, để trình UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Trên cơ sở danh sách của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh sớm phân bổ số kinh phí hỗ trợ để các huyện triển khai theo quy định và theo dõi, giám sát việc sử dụng kinh phí, cũng như tiến độ chung toàn tỉnh... Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh có nhiệm vụ đôn đốc các huyện, đơn vị, doanh nghiệp nhà hảo tâm đã đăng ký hỗ trợ chuyển kinh phí...
“Đối với nguồn kinh phí xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát phải thực hiện đúng mục đích, không được dùng để làm việc khác. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, các huyện phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10/2025”, ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thanh Hóa thông tin.