Thanh Hóa, còn nhiều giáo viên vùng đặc biệt khó khăn bị 'lãng quên'

GD&TĐ - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Quan Sơn) - Lương Thị Hiền lý giải nguyên nhân chưa giải quyết chế độ cho số GV này là do bí nguồn.

Giáo viên gieo chữ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Giáo viên gieo chữ ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài 19 giáo viên làm hồ sơ năm 2020, đến nay chưa được nhận trợ cấp lần đầu thì tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), nhiều giáo viên khác đã và đang công tác trên địa bàn cũng không biết đến quyền lợi được hưởng trợ cấp.

Bỏ quên chế độ của giáo viên

Sau thông tin Báo GD&TĐ phản ánh về việc 19 giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp lần đầu từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận một đồng nào, nhiều giáo viên trên địa bàn huyện này đã lên tiếng phản ánh bản thân họ cũng nằm trong số người chưa được hưởng quyền lợi trên.

“Chúng tôi là những giáo viên được ký tuyển dụng viên chức từ những năm 2009. Thời điểm đó còn đang áp dụng Nghị định 61/2006/NĐ-CP quy định mức chung là 4 triệu đồng. Tôi được biết, cùng thời điểm ký tuyển dụng với chúng tôi, nhiều giáo viên ở xã khác trên cùng huyện Quan Sơn được nhận, nhưng tôi và một số đồng nghiệp khác lại không được thông báo làm hồ sơ để hưởng”, một giáo viên (xin giấu tên) băn khoăn.

“Chúng tôi biết có quy định trợ cấp lần đầu cho giáo viên dạy ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn từ lâu. Tuy nhiên, do không được thông báo nên cũng không biết sẽ phải làm những gì.

Giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, khi bị điều động nơi này, lúc chuyển nơi khác, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Khoản tiền trợ cấp là nguồn động viên để giáo viên chúng tôi lấy đó làm niềm vui, động lực cố gắng, không những thế đó còn là quyền lợi chính đáng. Vậy nhưng, bao năm qua, chúng tôi dường như đang bị bỏ quên, nhiều lúc thấy thiệt thòi vô cùng nhưng không biết kêu ai”, một giáo viên khác chia sẻ.

Theo ghi nhận, trong số các giáo viên phản ánh chưa nhận được trợ cấp là những giáo viên được UBND huyện Quan Sơn ký tuyển dụng viên chức vào năm 2009, 2012.

Đáng nói, trước đó, trả lời Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Hương Giang, Phó Trưởng phòng Tài chính – UBND huyện Quan Sơn, khẳng định, chỉ còn rớt lại 19 giáo viên làm hồ sơ năm 2020 nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa giải quyết được còn tất cả các trường hợp khác, đặc biệt đang giảng dạy trên địa bàn đều đã ưu ái giải quyết, kể cả các trường hợp gần đây cứ ký tuyển dụng xong là chi trả trợ cấp theo quy định mới.

Giáo viên phải đi bộ đường rừng nhiều km mới vào được bản để dạy học trò.

Giáo viên phải đi bộ đường rừng nhiều km mới vào được bản để dạy học trò.

Lời hứa của Chủ tịch UBND huyện có được thực hiện?

Ngày 8/11, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Lương Thị Hiền, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Quan Sơn) cho biết, ngoài 19 trường hợp làm hồ sơ năm 2020 thì bà không biết việc vẫn còn những giáo viên đang công tác trên địa bàn chưa được nhận chế độ trợ cấp lần đầu. “Nếu vậy, tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với phòng GD&ĐT để tiếp tục rà soát”, bà Hiền nói.

Vị Trưởng phòng Tài chính cũng thông tin, hiện Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định trợ cấp cho 16 giáo viên trong số 19 giáo viên làm hồ sơ năm 2020. “Có 3 giáo viên thời điểm đó đang áp dụng Nghị định 116/2010/NĐ-CP là 3 năm trở lên đối với nữ và 5 năm trở lên đối với nam, trong khi họ công tác chưa đủ thời gian theo quy định nên chúng tôi phải loại ra”, bà Hiền nói.

Được biết, ngày 9/11, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn đã thông báo tới tất cả các hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học và THCS đề nghị rà soát đối tượng giáo viên được tuyển dụng từ năm 2008 đến năm 2012 chưa được hưởng trợ cấp. Trong đó, bao gồm cả giáo viên hiện đang giảng dạy trên địa bàn và cả số giáo viên đã chuyển đi nơi khác.

Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cũng cho biết, chưa nắm được thông tin nhiều giáo viên đã và đang công tác trên địa bàn chưa được nhận trợ cấp lần đầu.

“Không thấy bất kỳ giáo viên nào phản ánh lên nên chúng tôi chưa nắm được. Tới đây, tôi sẽ giao cho phòng Tài chính cùng phòng GD&ĐT phối hợp với các nhà trường rà soát tổng thể trong toàn huyện, xem có bao nhiêu đối tượng thuộc diện được hưởng mà hiện vẫn chưa được.

Sau đó, trình tự thủ tục như thế nào, cũng sẽ hướng dẫn để các giáo viên làm hồ sơ. Khi đã xác định đối tượng đúng và đủ điều kiện thì sẽ giải quyết chính sách cho họ”, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, nhiều năm cống hiến giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), năm 2020 những giáo viên này được thông báo làm hồ sơ để hưởng trợ cấp lần đầu. Thế nhưng, đến nay, 2 năm trôi qua, có 19 giáo viên vẫn mòn mỏi chờ tiền trợ cấp. Hầu hết trong số họ đã chuyển công tác về các huyện khác.

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Quan Sơn) - Lương Thị Hiền lý giải nguyên nhân chưa giải quyết chế độ cho số giáo viên này là do bí nguồn. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, bà Hiền cho biết, sẽ giải quyết chế độ cho giáo viên trong tháng 11/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.