Lên kế hoạch theo dõi học sinh
Là một trường công lập, số học sinh mỗi lớp trung bình từ 45 – 50 học sinh nên để nhận xét hết từng học sinh vào vở, rồi lại nhận xét vào sổ giáo dục hàng tháng, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian.
Hơn nữa, với số lượng học sinh như thế, để có thể nhận xét hết, tận tình chỉ bảo cho học sinh thấy được những lỗi sai của mình, các cô đều có những phương pháp riêng.
Đối với cô Hường, là một giáo viên chủ nhiệm, quan tâm đến không chỉ chất lượng học tập của học sinh mà cả sự phát triển về năng lực, phẩm chất cũng phải được đặt lên hàng đầu.
Trải qua những lần chấm điểm bằng lời “chồng chất” sổ sách mà không đem lại kết quả cao. Cô Hường đã lên kế hoạch theo dõi học sinh, thay đổi phương pháp bằng cách mỗi tiết học chỉ quan sát 5 – 7 học sinh cần chấm điểm.
Chọn vị trí đứng quan sát sao cho vừa nắm bắt rõ tình hình của học sinh đó, vừa bao quát được lớp. Sau đó, tranh thủ ngay giờ ra chơi để nhận xét vào sổ.
Bởi theo kinh nghiệm của cô, nếu để lâu sẽ quên, không còn chính xác nữa, ảnh hưởng đến sự tiến bộ của học sinh. Theo đó, những học sinh này sẽ được theo dõi tỉ mỉ hơn, cẩn thận hơn mà không mất nhiều thời gian như trước đây.
Nhận xét bằng chữ Tâm trong nghề
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện chấm điểm cho học sinh không điểm số, đó là sự phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ của giáo viên. Bởi nếu chỉ nhận xét chung chung: Lần sau con cần tiến bộ hơn, tránh cẩu thả vào lần sau… Như vậy, bản thân học sinh cũng không thể hiểu rõ những lỗi sai của mình, và lần sau mình cần rút kinh nghiệm những gì…
Thực tế, cô Hường cho biết: Nếu có thể dùng văn nói, chỉ cho học sinh biết lỗi sai cần sửa, cái đúng cần phát huy thì rất dễ, nhưng để viết lên thành lời, để không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng nắm bắt được phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ của giáo viên.
Khắc phục tình trạng này, cô Hường đã linh hoạt trong những lời nhận xét. Mỗi câu là cả một sự chỉ bảo tận tình từ chữ Tâm trong nghề.
Cô Hường cho rằng, mỗi học sinh có những năng lực, phẩm chất khác nhau, vì vậy để tránh những sự trùng lặp giữa học sinh này với học sinh khác, lần nhận xét này với lần nhận xét sau là điều giáo viên có thể làm được, và làm tốt, nếu chịu khó quan sát học sinh.
Mỗi giáo viên khi nhận xét cần nhấn mạnh đến sự thay đổi của học sinh so với trước đây. Đó là sự thay đổi tích cực hay tiêu cực, để bản thân học sinh hiểu được tình hình học tập của mình trong thời gian này. Và gia đình cũng có sự quan tâm, quản lý các con sát sao hơn.
Là một trường áp dụng mô hình VNEN từ những ngày đầu, trường tiểu học Tả Thanh Oai cũng không quá bỡ ngỡ khi thực hiện thông tư 30. Và thành công khi áp dụng mô hình trường học mới cũng là nền tảng để chấm điểm bằng lời có những hiệu quả tích cực.