Tháng cô hồn có đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng?

“Ôi đúng là tháng cô hồn”, “Tháng này cẩn thận đấy”, “Tháng này kiêng nhiều lắm đấy”… là những câu nói cửa miệng mà người ta thường nhắc nhau vào tháng Bảy âm lịch hàng năm. Nhưng có thật tháng cô hồn đáng sợ như dân gian vẫn hay đồn đại?

Tháng cô hồn có đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng?
Thang co hon co dang so nhu nhieu nguoi van tuong? - Anh 1

Khi được hỏi, tháng cô hồn bạn sợ gì nhất, nhiều người chẳng cần nghĩ đã trả lời: “Tháng cô hồn á! Tháng này làm gì mà chả sợ, tháng đen mà!”. Vốn bị “cái tiếng” là đen đủi, thế nên hễ có chuyện không hay xảy ra trong tháng này là nhiều người lại cho rằng: “Đúng là tháng cô hồn”.

Minh Thu - sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội - mới đăng trạng thái kêu ca, phàn nàn về việc bị cảnh sát giao thông phạt 200 nghìn nghìn đồng vì lỗi... thiếu gương xe.

Hay cậu bạn Tiến Đạt cũng bị ngã xe gẫy chân vì cố tình vượt đầu ôtô để kịp giờ học. Một tài xế taxi, vì không muốn đi đường vòng mà đánh liều đi vào đường cấm, bị cảnh sát giao thông tuýt còi, lại lẩm bẩm câu: “Tháng cô hồn có khác, đi (mất tiền) nhiều thế!”...

Hễ lên facebook vào những ngày này là có hàng tá dòng trạng thái ngán ngẩm, kêu ca về tháng cô hồn chẳng mấy may mắn này. Thế nhưng, đây có thật là những điều xui xẻo do tháng cô hồn mang lại hay không khi mà ngay cả những ngày bình thường trong năm cũng chẳng mấy ai chịu nhận khuyết điểm về mình? Hay đó chẳng qua chỉ là cái cớ để nhiều người đổ lỗi cho những sự không may mà nhiều khi do chính mình gây ra!?

Thang co hon co dang so nhu nhieu nguoi van tuong? - Anh 2

Không ít người cho rằng: Tháng cô hồn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ảnh: An Nhiên (Facebook)

Chưa dừng lại ở đó, nhiều người do quá mê tín đã khiến cuộc sống thường nhật trở thành câu chuyện bi hài. Chị Kim Xuân (Đống Đa, Hà Nội) kể chuyện: Khi ốm nghén, nửa đêm thèm bánh cuốn, bảo chồng đi mua.

Nhưng bản chất vốn mê tín, anh nhất định không ra ngoài giờ này trong khi hàng bánh cuốn chỉ cách nhà có mấy bước chân. Bực quá, chị vác bụng đi ăn một mình. Sau đó, hai vợ chồng dỗi nhau cả tuần”.

Là lái xe taxi hay chở khách đi xa, anh Vũ Luân cũng có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười vào tháng này. Anh tâm sự: “Chở khách đi lễ, phải đi đêm cho kịp theo yêu cầu gia đình là chuyện bình thường.

Lần đó, phải đi qua đoạn đường xuyên qua cánh đồng rộng mênh mông vào tháng cô hồn. Khi ấy đang đúng mùa, nên người ta để mấy con bù nhìn rơm ở đấy. Chẳng hiểu ông nào móc cái áo sơ mi trắng lên, do tâm lý bị ám ảnh đang là tháng cô hồn, hoảng quá, tí thì xuống ruộng”.

Thang co hon co dang so nhu nhieu nguoi van tuong? - Anh 3

Mâm cỗ cúng chúng sinh ngày rằm tháng Bảy. Nguồn: Internet

Vậy tháng cô hồn có thực sự đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng?

Theo tín ngưỡng của người Việt, tâm niệm tháng Bảy là tháng của ma quỷ xuất phát từ quan điểm con người có phần hồn và thể xác. Khi chết đi, linh hồn vẫn tồn tại và sẽ đầu thai sang khiếp khác.

Song, vì nhiều lý do khác nhau, một số người chết đi mà linh hồn không siêu thoát, bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.

Cũng vì thế, người Việt xưa quan niệm: Trong tháng Bảy, Diêm Vương sẽ mở cổng địa ngục để ma quỷ trở về dương gian. Trong đó, Quỷ Môn Quan sẽ được mở hoàn toàn vào ngày rằm tháng Bảy để ma quỷ có thể đi lại tự do.

Đó chính là xuất tích của ngày "xá tội vong nhân". Tuy nhiên, những tù nhân trong Quỷ Môn Quan chỉ được tự do đi lại chốn dương gian đến 12 giờ đêm ngày 14/7.

Sau thời điểm này, tất cả phải trở về địa ngục. Quỷ Môn Quan cũng được đóng lại sau thời khắc đó. Đó cũng là lý do, trong ngày này, các gia đình thường làm lễ cúng chúng sinh và phóng sinh để cầu bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ phá phách.

Do quan niệm tháng Bảy là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ, nên hầu hết mọi người đều tránh không tiến hành các việc đại sự như: cưới hỏi, khởi công xây dựng... vì sợ bị ma quỷ quấy nhiễu, ám ảnh, không được may mắn mà chẳng dựa trên cơ sở khoa học nào để tin vào điều đó.

Vì thế, bên cạnh những quan niệm mang tính tín ngưỡng, một số nhà khoa học cho rằng: Tháng 7 là tháng Ngâu, mưa nhiều, thời tiết không thuận.

Vì thế, không nên động thổ xây nhà, hay cưới hỏi, những công việc đòi phải thực hiện nhiều nghi lễ, công việc ở ngoài trời. Lại có người cho rằng: Thời tiết ở mỗi nơi mỗi khác, nên làm gì cũng phải tùy vào tình hình cụ thể mà làm.

Do chẳng ai có thể khẳng định tháng cô hồn có thật sự đen đủi hay không, nhưng thôi thì “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tuy nhiên cũng không vì thế mà kiêng kỵ quá nhiều, quá kỹ, nhiều cái kiêng hết sức mê tín, không có cơ sở.

Cô Nhàn - Nhân viên môi trường đô thị, thường làm ca đêm - chia sẻ: “Cái nghề của tôi, ai cũng phải làm ca đêm. Lúc đầu, nghe mọi người dọa cũng hơi run, nhưng công việc thì vẫn phải làm thôi. Cứ thử hỏi kiêng đêm không ra đường thì lấy gì mà kiếm ăn. Đi dần rồi quen, cũng chẳng thấy có chuyện gì xảy ra cả.

Chị Hằng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) là một người thường xuyên đi chùa chiền, cúng bái chia sẻ: “Mình thấy nhiều người kiêng quá. Nhà mình chỉ kiêng những việc lớn như cưới gả, xây nhà.

Đến ngày rằm thì cúng gia tiên, chúng sinh, lên chùa cầu an thôi”. Chứ cái gì cũng kiêng, chẳng dám đi đâu, không làm gì cả thì lấy gì mà sống!?

Ở Việt Nam, ngoài quan niệm là tháng cô hồn, trong tháng Bảy còn là thời điểm diễn ra lễ Vu Lan báo hiếu với những quốc gia theo Đạo Phật.

Vì thế, trong mấy ngày trước rằm tháng Bảy, nhiều gia đình, nhất là những gia đình theo đạo Phật lại làm lễ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ để tỏ lòng hiếu thuận.

Do lễ Vu Lan báo hiếu và cúng chúng sinh cầu siêu cho các linh hồn còn lưu lạc cõi dương gian trở về âm thế gần nhau khiến không ít người nhầm lẫn.

Theo Sống Mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ