Trên các con đường, cột điện, trước cửa hàng luôn có thông báo tuyển dụng, những lời mời chào cực kỳ hấp dẫn. Đặc biệt tại các bến xe, cổng các trường đại học, cao đẳng, những nơi đông người qua lại có một lực lượng phát tờ rơi quảng cáo với công việc và mức lương hấp dẫn, làm theo ca trả tiền sau giờ làm đính kèm theo là số điện thoại hoặc địa chỉ để liên hệ.
Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tranh thủ được nghỉ học sớm hoặc không về quê ăn Tết, ở lại thành phố kiếm một số công việc phù hợp để kiếm thu nhập trang trải cho việc học tập, phụ giúp gia đình… Bên cạnh những mặt tích cực, việc sinh viên đi làm thêm cũng nảy sinh nhiều hệ luỵ rủi ro.
Không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được công việc thời vụ phù hợp với mình mà có khi bị lợi dụng, lừa đảo. Chính vì vậy, trước khi có ý định đi làm thêm, hãy suy nghĩ thật kỹ, thận trọng đọc kỹ các cam kết, bởi lựa chọn nơi nào để gửi gắm tìm việc giúp mình là điều quan trọng, nếu không lại mất tiền oan và mất thời gian.
Thông thường để kiếm được việc làm ưng ý, sinh viên thường phải chịu mức phí môi giới từ vài chục ngàn đồng cho tới vài trăm ngàn đồng, tùy theo từng trung tâm môi giới, cũng như công việc, mức lương mà sinh viên nhận được. Một số trung tâm nói trước là không thu tiền lệ phí môi giới, mà yêu cầu sinh viên mua hồ sơ chờ đăng ký tìm việc.
Họ đưa ra mức lương cực hấp dẫn, giờ làm ít, hợp lý nên nhiều người lầm tưởng “ngon ăn” đã lao vào rất đông đúc. Thực tình là họ lừa đảo theo kiểu thu ít - lợi nhiều. Một người tới đăng ký tìm việc phải mua hồ sơ 30.000 đồng từ mẫu của trung tâm, trong khi giá thật của bộ hồ sơ đó chỉ 5.000 đồng.
Sau đó, trung tâm này cứ hẹn đi hẹn lại nhiều lần khiến sinh viên chán nản và không đến hỏi nữa hoặc có việc làm khác nên bỏ. Nhiều khi đã mất các khoản phí để tìm việc đôi khi sinh viên còn bị mất luôn tiền công do những ràng buộc mang tính lừa đảo như thử việc sau 3 đến 5 ngày nếu được nhận vào làm luôn thì có lương còn không thì thôi hoặc nhận một khoản tiền ít ỏi đổ xăng, ăn uống chứ không phải khoản lương cao ngất như được quảng cáo trước đó.
Cứ thế hết thời gian thử việc họ không nhận vào làm việc chính thức với đủ lý do khiến các bạn trẻ phải ngậm ngùi khi bị tốn thời gian, tiền bạc lẫn công sức.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên và các bạn trẻ vào mùa Tết là chính đáng, thiết thực. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao kỹ năng tìm kiếm việc làm để tránh bị lừa đảo thì các cấp Hội, Đoàn, tổ chức cần chung tay hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các bạn trẻ tìm kiếm việc làm thêm để tránh gặp phải cảnh vừa mất tiền oan lại mất thời gian.