Thân phận phụ nữ qua chiếc bóng oan khiên

Thân phận phụ nữ qua chiếc bóng oan khiên

Nguyễn Dữ là người chứng kiến, nếm trải, thấu hiểu nỗi niềm và thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến nên ông đã viết tác phẩm bằng tất cả trái tim và lòng trắc ẩn tha thiết của mình.

1. Chuyện kể về Vũ Nương, người con gái đẹp người, đẹp nết, nàng phải kết duyên cùng Trương Sinh. Cuộc hôn nhân giữa người con gái của tầng lớp bình dân với “con nhà giàu, vô học, đa nghi” như báo trước mầm tai họa.

Quả thật, chẳng bao lâu sau, Trương Sinh phải đi lính để lại mẹ già và vợ trẻ đang mang thai. Sự nhớ nhung, yêu thương của người con gái thuỳ mị nết na, sự hiếu thảo của một người con dâu với mẹ chồng, công lao nuôi con tháng ngày vò võ của nàng không làm Trương Sinh mảy may đếm xỉa.

Thế nhưng, chỉ một lời nói vô tình, hồn nhiên của đứa con mới lên ba tuổi lại có thể khiến Trương Sinh từ kẻ vô học, đa nghi trở thành kẻ vũ phu, nhỏ nhen, độc đoán.

Nguyên do của niềm khổ đau, bất hạnh ấy hiện diện ngay trong chiếc bóng trên tường. Có thể nói, đây là một chi tiết nghệ thuật độc đáo, thể hiện rõ nét tài năng và tấm lòng của nhà văn.

Chi tiết cái bóng xuất hiện hai lần trong câu chuyện. Cả hai lần cái bóng đều gián tiếp xuất hiện trong lời bé Đản – con trai của Vũ Nương và Trương Sinh.

Lần thứ nhất, cái bóng đã thấp thoáng xuất hiện khi bé Đản cùng Trương Sinh đi thăm mồ mẹ già. Đứa con ngây thơ ấy đã hồn nhiên hỏi rằng: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?”. Câu nói vô tình mà hữu ý ấy trở thành chi tiết thắt nút đầy kịch tính.

Trước sự ngạc nhiên của Trương Sinh, đứa bé lại tiếp tục nói về người cha trong chiếc bóng rằng đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi nhưng lại chẳng bao giờ bế Đản cả.

Lời con trẻ thơ ngây lọt vào tai kẻ ít học, đa nghi như Trương Sinh đã trở thành bằng chứng cho việc Vũ Nương thất tiết. Nó dẫn dắt cốt truyện lên một cao trào, đẩy Vũ Nương vào bước đường cùng, chỉ có thể tắm gội để gột bỏ hết lớp bụi trần đau đớn, gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn.

Phải nói rằng, nếu không có chi tiết thắt nút này thật khó để tạo một tình huống độc đáo về sau. Hơn nữa, nó không chỉ có ý nghĩa với cốt truyện mà còn bộc lộ tình cảm, tâm sự của nhân vật. Vũ Nương xa chồng, côi cút đơn côi, một mình nuôi con và chăm sóc mẹ chồng.

Nàng cũng là phụ nữ, là người cần đến sự yêu thương, hơi ấm của một gia đình đủ đầy. Cái bóng trong lời kể của Đản luôn luôn ở bên mẹ đã thể hiện nỗi cô đơn của Vũ Nương. Nàng hẳn phải nhớ nhung tột cùng và để rồi dùng cái bóng ấy khắc ghi bóng hình của Trương Sinh, để chàng luôn ở bên nàng. Nó còn thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc của người chinh phụ trong đêm khuya đơn côi lẻ bóng.

Cái bóng ấy trở thành nơi an ủi, thỏa mãn nỗi nhớ nhung vời vợi của người chinh phụ. Không chỉ với chồng, lời nói dối với đứa con cũng xuất phát từ tình yêu thương con da diết của người phụ nữ.

Nàng muốn an ủi đứa con mình, lấy chiếc bóng của chính mình vờ thay thế cho người cha đang ở nơi trận mạc, không để nó thiếu vắng hơi cha vào mỗi đêm. Thế nhưng những cố gắng của Vũ Nương lại đẩy nàng vào thế giới đầy đau khổ. Mặc cho sự van xin, giải thích của nàng kể cả sự bênh vực của họ hàng làng xóm.

2. Nỗi oan của Vũ Nương bắt nguồn từ chiếc bóng. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất trong văn chương mà người phụ nữ phải chết vì chính cái bóng của mình. Cái bóng vừa gần vừa xa, vừa thực vừa ảo, vừa là của mình vừa không phải của mình như chính niềm hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Hạnh phúc ấy chỉ có thể nhìn thấy chứ không thể chạm vào dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa.

Trước khi nghe theo sự chỉ đạo của lý trí, nàng tắm gội chay sạch như là rũ bỏ mọi vướng bận của thăng trầm, mọi duyên nợ nơi trần gian. Nàng ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám.

Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi điều phỉ nhổ”.

Thế gian không còn chỗ cho người phụ nữ bị gán tội thất tiết, nàng phải nhờ đến các thế lực siêu nhiên, không có thật như trời, phật, thần... Nàng đã nương mình ở chốn làng mây cung nước. Thì ra, thân phận của họ cũng chỉ mong manh tựa như chiếc bóng. Từ đó đặt ra vấn đề về lòng tin dành cho nhau trong cuộc sống và trong đạo vợ chồng.

3. Cái bóng xuất hiện lần thứ hai như một chi tiết mở nút. Nó cũng đến trong lời nói non nớt của bé Đản: Cha Đản lại đến kia kìa. Nhìn theo tay con, cái bóng hiện hữu trên tường. Mờ ảo, hư vô, huyễn hoặc như thế nhưng chiếc bóng đã giải được mối oan khiên cho Vũ Nương.

Thì ra, ngày thường, khi chỉ có hai mẹ con, nàng chỉ bóng mình trên vách và nói đó là cha Đản. Trương Sinh lúc này mới vỡ lẽ, hóa ra Vũ Nương đã phải chịu thật nhiều đau đớn, oan ức. Chàng lúc này đã hối hận, lập đàn giải oan cho nàng trên bến Hoàng Giang.

Nàng được khôi phục danh dự và sự trong sạch mà nàng vốn có. Nhưng Vũ Nương lại phải xa chồng, xa con, xa những người mà nàng yêu thương nhất. Chồng bơ vơ, cô độc nơi trần thế, con nhỏ mới lên ba đã mồ côi mẹ, âm dương cách biệt. Ước mơ nghi gia nghi thất của nàng suốt cả cuộc đời vẫn không thể thành thực hiện được.

Cái bóng mở nút cho ta thấy được sự cố chấp, vô cảm, ghen tuông vô cớ của Trương Sinh và sau đó là cả một xã hội nam quyền ghê gớm. Sĩ diện, bảo thủ, cố chấp mà người đàn ông trong xã hội ấy đang sở hữu đã khiến họ lờ đi trước những việc làm, sự hy sinh của vợ và cả lời giãi bày trong nước mắt: Thiếp vốn con kẻ khó, tô son điểm phấn tưởng đã nguôi lòng, ngõ liều tường hoa chưa hề bén gót.

Cũng trong xã hội ấy, hạnh phúc của người phụ nữ chỉ có thể nhìn thấy mà không thể chạm vào, chỉ có khao khát mà không thể đạt được.

Qua chi tiết cái bóng, Nguyễn Dữ cũng góp tiếng nói lên án, tố cáo xã hội bất nhân, tàn bạo. Đó là giá trị nhân đạo, giá trị cốt lõi của mọi tác phẩm văn học chân chính mà các nhà văn trọn đời hướng tới.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.