Tham vọng “không gì là không thể”

GD&TĐ - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - quốc gia của những cái nhất - như đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, tòa tháp cao nhất thế giới, mới đây lại có thêm một điều kỳ lạ: Thành lập một cơ quan chính phủ mới, có tên là Bộ Triển vọng (Ministry of Possibility - được hiểu là Bộ không gì là không thể).

Tham vọng “không gì là không thể”

Điều thú vị là bộ này không có bộ trưởng, hoạt động với sự đóng góp của toàn thể nội các. Vai trò của bộ là cung cấp những giải pháp chủ động, táo bạo, hiệu quả, nhanh chóng cho các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng các hệ thống chính phủ mới cho tương lai.

Bộ này sẽ bắt tay ngay vào nhiều dự án, trong đó có việc cung cấp các dịch vụ chủ động cho công chúng và phát triển một nền tảng online cho các quy trình của chính phủ, giảm thời gian từ 60 ngày xuống còn 6 phút, khuyến khích các tài năng, nghiên cứu trải nghiệm của công chúng trong mọi lĩnh vực. Không có bộ trưởng, nhưng Bộ Triển vọng thực sự đang gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ.

Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum, Thủ tướng, Phó Tổng thống UAE nói: “Các thách thức tương lai đòi hỏi sự phát triển liên tục của cơ cấu chính phủ và sự “bất khả thi” sẽ không nằm trong từ điển phát triển của UAE”.

Những gì UAE đang làm có vẻ “không tưởng” nhưng hóa ra lại là sự thật. Có lẽ với chính tư duy “không gì là không thể”, mà UAE luôn có thể tự hào. Tuy diện tích nhỏ bé với tài nguyên chủ yếu là dầu mỏ, nằm trong khu vực thường xuyên có những biến động địa chính trị lớn, kể cả các cuộc xung đột, nhưng họ phát triển rất mạnh, là nước giàu thứ 9 trên thế giới và luôn hướng tới trở thành quốc gia hàng đầu. Tất cả là nhờ vào nguồn lực con người và tư duy khác biệt, sự đổi mới không ngừng ở đây. Như Thủ tướng UAE đã nói: “Những gì UAE có được ngày nay là kết quả của một sự lãnh đạo khác thường. Chúng ta cần những hệ thống hiện đại để biến những tham vọng phi thường thành sự thật”.

“Bộ Triển vọng” thực ra chưa phải điều phi thường nhất trong hệ thống của UAE. Trước đây, họ đã có những cơ quan độc nhất vô nhị không kém, như Bộ Hạnh phúc để giám sát các chính sách, kế hoạch, chương trình giúp thúc đẩy hạnh phúc trong xã hội. Bộ Khoan dung để chấm dứt phân biệt về hệ tư tưởng, văn hóa, tôn giáo; Bộ Trí tuệ Nhân tạo để đưa UAE thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2031.

Chưa hết, từ giữa năm 2018, UAE đã đưa vào thực hiện một mô hình mới là “Hành chính nụ cười”. Tại cơ quan hành chính, sau thời gian vài phút làm thủ tục, khi khách hàng ra về, chiếc cửa ra vào có khả năng ghi nhận cảm xúc, nếu khách hài lòng, gương mặt trên cửa nở nụ cười và cửa sẽ mở và ngược lại. Đó là nhờ một cơ chế sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và phân tích biểu hiện trên khuôn mặt khách hàng.

UAE đang bảo đảm để các cơ quan hành chính hiểu nhu cầu của người dân, hướng tới xây dựng những hệ thống đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cá nhân. Ở UAE, công nghệ được xem như một chất xúc tác cho phát triển, là nền tảng để chính quyền thực hiện vai trò kiến tạo của mình, ở đó phương châm “vì dân” không phải khẩu hiệu suông. Rõ ràng không chỉ khai thác dầu lửa, phát triển kinh tế, mục đích của nhà chức trách là bảo đảm cho mọi người có được cuộc sống hạnh phúc và thuận tiện. Đó mới là những thành tựu quan trọng nhất mà một chính phủ hướng tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.