Tham gia Diễn đàn có ông Youssouf Abdel Jelil - Tổng đại diện UNICEF tại Việt Nam; bà Marta Santoss Pais - người vận động toàn cầu về phòng chống và xóa bỏ các hình thức BLVTE, người có khả năng huy động hoạt động và cam kết chính trị, tạo sự hiểu biết về tác hại của BLVTE và thúc đẩy tiến trình xóa bỏ BLVTE; bà Trần Thị Thanh Thanh – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em VN, cùng đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Khai mạc Diễn đàn, ông Youssouf nêu ra một cảnh báo đỏ: Cứ 5 phút có 1 trẻ em tử vong vì bạo lực, mỗi năm có 120 triệu trẻ em gái và 70 triệu bé trai bị bạo lực tình dục, hơn 1 tỉ trẻ em trên thế giới hàng ngày bị bạo hành thể chất. Ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối không thể tồn tại. Chúng ta phải cùng hành động để chấm dứt tình trạng này vào năm 2030.
Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực trẻ em cũng vẫn còn là một mối lo ngại đáng kể. Như bà Trần Thị Thanh Thanh cho biết: Hơn 50% số trẻ em đã từng bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần. Các tổ chức NGO Việt Nam và quốc tế đã tăng cường hợp tác để hạn chế tình trạng này nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nhà nước và cả khối các tổ chức xã hội dân sự đã góp phần tích cực và quan trọng nhưng kết quả vẫn chưa làm chúng ta hài lòng.
Mặc dù vậy, bà Marta vẫn khẳng định Việt Nam là tấm gương vàng ở châu Á về phòng chống BLVTE. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà muốn tìm hiểu tầm nhìn và kế hoạch của Việt Nam trong vấn đề này để ước mơ an toàn cho trẻ em trở thành hiện thực, làm sao để các em hoàn toàn hi vọng vào chúng ta.
Trường học cần phải là môi trường an toàn nhất cho các em. Phải bắt đầu ngay từ hôm qua, hôm nay và tiếp theo để chấm dứt mọi tác động tiêu cực của bạo lực với trẻ em. Con số 70 tỉ USD mỗi năm để điều trị cho các trẻ em là nạn nhân của bạo lực là một con số không hề nhỏ.
Tại Diễn đàn, rất nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề nâng cao nhận thức của mọi người trong việc phòng chống BLVTE, phải coi BLVTE là vi phạm pháp luật nghiêm trọng dù ở hình thức nào.
Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng, Luật pháp đã được ban hành rất rõ ràng, cụ thể nhưng làm thế nào để Luật đó đến gần hơn với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa là việc làm hết sức cần thiết. Bởi, ngay cả ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều người lớn khi được hỏi về Luật bảo vệ trẻ em đều không biết, và trẻ em cũng không biết tới điều luật bảo vệ chính mình.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng sự suy thoái về lối sống đạo đức của người lớn, trong đó có cha mẹ, dẫn đến bạo hành trẻ em tăng cao. Nhiều nguyên nhân khác do môi trường sống, do ảnh hưởng từ cuộc sống không hạnh phúc của gia đình,…Nhưng hiện nay, thực tế cho thấy không chỉ có người lớn mới bạo hành trẻ em mà còn có tình trạng bạo hành giữa trẻ em với nhau cũng tăng cao.
Diễn đàn là cơ hội đặc biệt để các tổ chức xã hội nâng cao kiến thức và hợp tác về chống BLVTE và xác định các cách thức tối đa hóa tiềm năng của mình trong việc giải quyết các vấn đề BLVTE.