Tham nhũng lãng phí từng bước được ngăn chặn

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội đánh giá tham nhũng lãng phí từng bước được ngăn chặn tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Phong ngừa tham nhũng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua rất được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, điều hành. Công tác tuyên truyền, nhận thức, phát huy vai trò của người đứng đầu và quy trách nhiệm khi xảy ra tình trạng tham nhũng trong cơ quan, đơn vị được người dân đồng tình, ủng hộ.

Có nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và thực thi xử lý vi phạm cương quyết, không có vùng cấm. Tham nhũng lãng phí từng bước được ngăn chặn tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Đặc biệt, là trong lĩnh vực ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật mà nhân dân nghĩ rằng, nơi đây là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất.

Nhưng lại có một bộ phận không nhỏ, tham nhũng nghiêm trọng, tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự gây bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin ở những người mà mình tin tưởng nhất.

Lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công… Để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả và đạt khả thi nhất, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị, Chính phủ quan tâm một số nội dung.

Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, “không dám, không muốn, không ham”.

Tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây, sự quan tâm của dư luận về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Cán bộ trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng.

Biết vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe. Phát huy vai trò đầu tàu, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như phát hiện của nhân dân.

Cơ quan có thẩm quyền cũng sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục những hạn chế của công tác này trong thực tế. Vì khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó xử lý đúng quy định của pháp luật, dẫn tới tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy

Không có vùng cấm

Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị làm rõ vấn đề so với 2020, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, số cuộc thanh tra hành chính giảm 32%, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị, xem xét xử lý hành chính giảm 30% nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng. Cụ thể, tăng 6% số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân bị chuyển cơ quan điều tra xử lý so với năm 2020.

Đề cập vấn đề năm 2021 kiểm tra 13 đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì phát hiệu 13 vụ có dấu hiệu tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, báo cáo chưa làm rõ 13 vụ này.

Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần phân tích làm rõ số liệu phòng, chống tham nhũng trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn, từ đó đề ra giải pháp phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.

Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; Gắn phòng, chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ