Thảm họa thời trang: Giày mũi nhọn siêu dài

GD&TĐ - Năm 1463, nam giới quý tộc Anh ra đường với đôi giày mũi nhọn dài trên 10cm. Trông chúng vướng víu và lố bịch đến nỗi, Hoàng đế Edward IV (1442 – 1483) phải ban lệnh cấm, chỉ cho phép mũi giày dài dưới 5cm.

Tầng lớp thượng lưu Anh quốc từng chết mê chết mệt giày mũi nhọn siêu dài.
Tầng lớp thượng lưu Anh quốc từng chết mê chết mệt giày mũi nhọn siêu dài.

Thời trang quý ông

Người Anh gọi kiểu giày mũi nhọn siêu dài là crakows, ghi nhớ nơi bắt nguồn Kraków (Ba Lan). Theo Rebecca Shawcross (Anh) - tác giả tác phẩm phi hư cấu “Giày: Lịch sử bằng minh họa” (Shoes: An Illustrated History), crakows đầu tiên có lẽ xuất hiện vào năm 1340. Nó đại diện cho xu hướng kiêm thảm họa thời trang đáng nhớ nhất châu Âu thời Trung cổ.

Văn hóa phương Tây vốn chuộng giày mũi nhọn và dài. Từ thế kỷ XIII, người ta đã đóng các đôi giày kiểu này cho cả nam và nữ. Có điều, độ dài của mũi giày không quá đặc biệt. Nó chỉ dưới 5cm và ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.

Bất ngờ, vào năm 1463, nội thành London (Anh) xuất hiện thiết kế crakows siêu thực nhất: Mũi giày dài đến 12cm. Người đi nó là những quý ông bảnh bao. Ai nấy ganh nhau từng milimet, vênh vang đắc thắng khoe mũi giày dài hơn người.

Nắm bắt thị hiếu của các quý ngài, giới thiết kế Vương quốc Anh thi nhau quảng bá crakows thủ công sang trọng nhất. Chúng được đóng bằng vải lụa, nhung, thêu hoa văn phức tạp và độc nhất. Phần mũi giày nhọn hoắt cũng được tô điểm bằng họa tiết hình hoa, lá tinh tế. Để giữ nó thẳng, người ta nhồi bông, len hoặc lông thú, rêu khô.

Giày mũi nhọn bình dân được thiết kế viền cổ chân siêu thấp, khoe “mắt cá chân sexy”.
Giày mũi nhọn bình dân được thiết kế viền cổ chân siêu thấp, khoe “mắt cá chân sexy”.

Thước đo độ giàu

Tầng lớp thượng lưu Anh mặc định, người sang là kẻ chẳng phải làm gì. Một quý anh hay quý ông càng có địa vị và tiền của, càng chẳng phải làm gì hết. Họ chỉ nhởn nhơ ăn chơi và ăn diện dạo phố phường.

Xã hội Anh quốc “trông… giày mà bắt hình dong”. Mũi giày càng dài và chất liệu đóng giày càng quý càng thể hiện rõ, chủ nhân của nó là người nhàn nhã, giàu có. Lý do rất đơn giản, giày mũi dài không phù hợp với lao động. Không ai có thể đi crakows làm việc cực nhọc mà lại không khiến phần mũi siêu dài bị hỏng. Ngoại trừ kẻ nhiều tiền, ai có thể mua nổi đôi giày đáng giá phí sinh hoạt cả tháng, thậm chí cả năm?

Ngoài phần mũi, crakows còn đặc trưng bởi phần gót được thiết kế để lộ mắt cá chân. Phương Tây thời Trung đại có nhiều tiêu chí đánh giá sự hấp dẫn của đàn ông, mắt cá chân là một trong số đó. “Đây là thời điểm áo chẽn càng ngắn càng quyến rũ và trai trẻ ưa khoe mắt cá chân”, Jackie Keily – phụ trách viên Bảo tàng London, cho biết.

Nếu nam giới quý tộc Anh ganh đua độ dài của crakows thì nam giới bình dân khoe “nét đẹp cổ chân”. Họ đóng giày bằng da thuộc, phần miệng cắt thấp và đường viền đi xuống sát đế, lộ trọn vẹn mắt cá chân. Để không bị tuột gót, người ta đính quai dây và đục lỗ xỏ, cố định.

Hậu duệ winklepicker, sống nhờ tình hoài cổ.

Hậu duệ winklepicker, sống nhờ tình hoài cổ.

Kết thúc chóng vánh

Ngoại trừ khoe giàu, giày mũi nhọn siêu dài còn một ẩn ý khiêu khích khác: Ngón chân cũng dài. “Người Anh kháo nhau rằng, đàn ông có ngón chân càng dài càng… giỏi chuyện chăn gối”, Shawcross giải thích.

Trong lịch sử nước Anh, Edward IV nổi tiếng là vị vua nhã nhặn, tác phong đứng đắn, lịch thiệp nhất. Dưới thời ông trị vì, nam giới bị cấm mặc trang phục để lộ vị trí nhạy cảm. Từ nam lãnh chúa đến các hiệp sĩ, cận thần, quý tộc đều không được phép mặc “bất kỳ loại áo khoác, áo choàng nào chưa che hết phần mông”.

Nhìn thành đô đầy những crakows lố lăng, vua Edward IV không chịu đựng nổi. Ông kết tội “đây là hành vi khiếm nhã nơi công cộng”, ban lệnh cấm. Ngay trong năm 1463, sắc lệnh có hiệu lực. Thời trang quý ông giày mũi nhọn siêu dài vừa mới manh mún đã bị dập tắt. Trên toàn Vương quốc Anh, không thợ đóng giày nào dám trái lệnh vua ban. Các nam giới ưa khoe mẽ đành ngậm ngùi rút ngắn độ dài của mũi giày, xuống còn dưới 5cm.

Vương quốc Anh không phải nơi duy nhất đột ngột “mê” crakows. Trước đó, vào năm 1368, Paris (Pháp) cũng từng “cuồng” không kém. Quốc vương Charles V (1338 – 1380) nhận định, giày mũi nhọn siêu dài quá ngớ ngẩn và tốn kém. Cũng như Edward IV, ông ra sắc lệnh cấm.

Năm 1475, crakows biến mất khỏi thị trường châu Âu. Bước sang thế kỷ XVI, Anh quốc chuộng giày mũi rộng. Giống như với giày mũi dài, những kẻ ưa khoe mẽ lại đua nhau “cái sự rộng”. Hoàng đế Henry VIII (1491 – 1547) phải lên quy tắc cấm xa hoa mới, quy định độ rộng của mũi giày. Ông khắt khe đến nỗi, thiết lập “đội đặc nhiệm đo chân”. Họ tỏa ra khắp London, kiểm tra kích thước ngón chân và độ rộng mũi giày từng nam giới.

Thập niên 1950, crakows tái xuất tại Anh với tên mới: Winklepicker. Nó giữ lại cái mũi nhọn, người đi cũng nhét bông hoặc giấy lụa vào trong mũi giày.

Không như crakows “chưa sinh đã diệt”, winklepicker tồn tại đến ngày nay. Nó duy trì sự yêu thích khiêm tốn bằng phong thái trang nhã, cổ điển.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ