Công việc này được thực hiện tại 152 trường tiểu học thuộc 53 tỉnh/thành phố. Công tác chuẩn bị đang được các nhà trường, địa phương triển khai tích cực nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Chuẩn bị bài bản, lường trước mọi tình huống
Năm 2024, lần đầu tiên tham gia SEA-PLM, Trường Tiểu học & THCS Lả Giôn (xã Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La) có 40 học sinh lớp 5/5 điểm trường được lựa chọn để khảo sát; đề xuất 3 cán bộ, giáo viên tham gia tổ khảo sát cấp trường, tổ trưởng trực tiếp là hiệu trưởng và 1 cán bộ hỗ trợ.
Theo thầy Hiệu trưởng Đỗ Quốc Hiền, nhà trường tham gia tập huấn nghiêm túc; rà soát lại thông tin đối tượng được chọn khảo sát. Làm sớm công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nội dung khảo sát; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất; đăng ký thời gian thực hiện và liên hệ chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng để được tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết. Tổ trưởng tổ khảo sát chỉ đạo điều phối viên, cán bộ khảo sát, kỹ thuật viên nêu cao tinh thần trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với tổ giám sát trong thực hiện nhiệm vụ.
Thầy Đỗ Quốc Hiền khẳng định, tham gia SEA-PLM có tác động tích cực, đưa mục tiêu giáo dục của nhà trường tiếp cận theo hướng bài bản, chuyên nghiệp của cộng đồng các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, không ít khó khăn nhà trường phải khắc phục khi tham gia SEA-PLM.
Đơn cử, Trường Tiểu học & THCS Lả Giôn có 5 điểm trường xa nhau, có điểm cách trung tâm trường 26km; 100% học sinh, phụ huynh học sinh là người dân tộc thiểu số. Đặc thù đó khiến thực hiện khảo sát khó khăn vì số lượng thành viên tổ khảo sát có hạn. Huy động phụ huynh học sinh đến khảo sát cũng rất khó vì hầu hết đi làm ăn xa.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Lả Giôn bày tỏ mong muốn có kinh phí hỗ trợ cho công tác khảo sát và đề nghị Bộ GD&ĐT có biện pháp, hướng tháo gỡ cho các đơn vị khó khăn đặc thù như Trường Tiểu học & THCS Lả Giôn.
Trường Tiểu học Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) cũng lần đầu tham gia SEA-PLM. Thông tin từ cô Hiệu trưởng Trần Thị Nguyệt, tham gia kỳ khảo sát, nhà trường có 40 học sinh; 1 người trong ban giám hiệu, 6 giáo viên và 40 phụ huynh. Trường đã cử 4 thành viên tham gia tổ khảo sát cấp trường, tổ trưởng là hiệu trưởng.
Cùng với việc tham gia tập huấn, xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền, Trường Tiểu học Đồng Lộc đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất: Phòng khảo sát, làm việc, bàn ghế, bảng, phấn, đồng hồ, tủ đựng hồ sơ bảo mật…; dự kiến tình huống có thể diễn ra khi khảo sát chính thức để có phương án phù hợp.
Đánh giá của cô Trần Thị Nguyệt, tham gia SEA-PLM, đội ngũ giáo viên được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ; các bộ công cụ khảo sát (cuốn đề thi của học sinh, phiếu hỏi) giúp nhà trường đánh giá khách quan chất lượng giáo dục, từ đó có giải pháp tích cực, hữu hiệu để nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, nhà trường có một số khó khăn khi tham gia SEA-PLM. Đó là nhiều cha mẹ học sinh đi làm ăn xa, học sinh sống cùng người giám hộ; nhà trường phải cử cán bộ, giáo viên hỗ trợ tận gia đình… để thực hiện nên mất nhiều thời gian. Nhà trường cũng gặp khó khăn trong tìm nguồn kinh phí để chi trả các hoạt động cần thiết khi tham gia chương trình vì ngân sách dự toán từ đầu năm không có nội dung chi cho hoạt động SEA-SLM.
Ảnh minh họa ITN. |
Thực hiện nghiêm cam kết
Từ thực tế triển khai, cô Trần Thị Nguyệt cho rằng cần làm tốt công tác tuyên truyền để các đối tượng tham gia hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của SEA-PLM; từ đó có thái độ đúng đắn, sẵn sàng tự nguyện khảo sát. Nhà trường phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, như phòng học, bàn ghế, không gian thoải mái, độc lập với các hoạt động khác…
Việc dự kiến trước khó khăn (phụ huynh không hào hứng tham gia khảo sát hoặc không có thời gian đến trường; phụ huynh không biết đọc, viết...) để xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp cũng rất quan trọng. Đặc biệt, trường tham gia SEA-PLM cần được bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để chi cho hoạt động này.
Từng tham gia SEA-PLM vào 2019, năm 2024, Thừa Thiên Huế tiếp tục tham gia chương trình với 3 trường tiểu học. Ông Nguyễn Thanh Trung - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế) cho biết, địa phương đã thành lập Hội đồng khảo sát chính thức SEA-PLM cấp tỉnh; ban hành Quyết định cử đoàn tham gia tập huấn;
phối hợp với Cục Quản lý chất lượng tổ chức triển khai tại các cơ sở giáo dục; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất; thông báo đánh giá SEA-PLM cho các đối tượng tham gia. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức khảo sát bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; cử cán bộ của sở về giám sát tại trường tổ chức khảo sát.
“Để đạt kết quả tốt khi tham gia SEA-PLM, trước tiên cần nhận thức đầy đủ mục tiêu khảo sát và quán triệt, tổ chức thực hiện đúng nội dung được Bộ GD&ĐT tập huấn. Cùng đó, thực hiện nghiêm túc các cam kết theo yêu cầu của kỳ khảo sát; cử cán bộ, giáo viên tham gia đúng thành phần, có đầy đủ năng lực, phẩm chất; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất theo quy định”, ông Nguyễn Thanh Trung chia sẻ.
Năm 2024, Thanh Hóa có 4 trường tiểu học tham gia SEA-PLM với 410 học sinh. Thông tin về sự chuẩn bị của địa phương, ông Lê Mạnh Quang - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Sở đã ban hành quyết định thành lập đoàn cán bộ, giáo viên tham dự tập huấn khảo sát chính thức SEA-PLM năm 2024; quyết định thành lập Hội đồng Khảo sát chính thức SEA-PLM cấp tỉnh năm 2024.
Sở GD&ĐT cũng hướng dẫn các trường tham gia khảo sát chuẩn bị cơ sở vật chất theo quy định; làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu rõ về SEA-PLM; yêu cầu tham gia trả lời phiếu hỏi, học sinh làm bài khảo sát với tâm thế thoải mái, nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm.
Lưu ý các trường tham gia SEA-PLM tại địa phương, ông Lê Mạnh Quang nhấn mạnh cần tập trung với tinh thần cao nhất và chuẩn hóa quy trình chuẩn; xây dựng hướng dẫn chi tiết, kế hoạch triển khai định kỳ, thường xuyên. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đối tượng tham gia đánh giá, nhất là phụ huynh học sinh.
“SEA-PLM phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giám sát hệ thống kết quả học tập của học sinh. Qua hoạt động đánh giá của SEA-PLM đã nâng cao nhận thức về đánh giá chất lượng giáo dục; thấy được mặt bằng của giáo dục trong tỉnh so với tỉnh khác; từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học tại các trường để đem đến kết quả tốt nhất”. - Ông Lê Mạnh Quang