Tại thời điểm 01/01/2016, toàn tỉnh Thái Nguyên có 42.080 hộ nghèo trên tổng số 313.950 hộ toàn tỉnh (chiếm 13,4% số hộ toàn tỉnh), 28.054 hộ cận nghèo (chiếm 8,94% số hộ toàn tỉnh). Trong đó, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 39.252 hộ (chiếm 93,3% số hộ nghèo toàn tỉnh).
Căn cứ vào tình hình thực tiễn đó, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các chủ trương chính sách của Trung ương, Chính phủ, đồng thời xây dựng thêm những chương trình đặc thù riêng, nhằm đảo bảo tính hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo bềnh vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác tuyên truyền về giảm nghèo ở Thái Nguyên được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo. Trong đó, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao... giúp người dân có thể vận dụng, học tập làm theo.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm đáng kể từ 13,4% đầu năm 2016 dự kiến xuống còn 3,1% vào cuối năm 2020; giảm 10,3% bình quân giảm 2,06%/năm (mục tiêu là 2%/năm).
Tỉnh đã huy động tốt nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Trong 4 năm 2016 - 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã cho hơn 51.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi, kinh phí trên 2.200 tỷ.
Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Thái Nguyên đã huy động được hơn 6.400 tỷ, trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ khoảng gần 9%, vốn ngân sách tỉnh chiếm trên 7%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 45%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chung chiếm 37%; vốn huy động khác chiếm gần 2%.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo về y tế, giáo dục được chú trọng quan tâm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho người hộ cận nghèo.
Tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí cho 185.905 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và người nghèo, với kinh phí là gần 50.000 tỷ, trợ cấp xã hội 156.947 học sinh với kinh phí trên 42.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 21.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2020 là 70%.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức “Tuần cao điểm tết vì người nghèo” với phương châm “Nhà nhà đều có Tết, người người đều có Tết” nhằm huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng, người dân cùng chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống" tại 04 huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương. Triển khai dự án xóa “trắng điện” tại 34 xóm chưa có điện trên địa bàn huyện Võ Nhai và 14 xóm của huyện Đồng Hỷ. Phối hợp với Công ty TNHH Samsung tuyển dụng hơn 2.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc tại Công ty TNHH Samsung và các công ty phụ trợ…, giúp hộ nghèo nâng thu nhập, thoát nghèo, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở Thái Nguyên cũng vẫn còn khó khăn nhất định, khi tỉ lệ chênh lệch giữa khu vực thành thị với khu vực miền núi còn khá lớn (cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Thái Nguyên và Sông Công thấp, chỉ 0,97% - 2,0%, nhưng đối với huyện Định Hoá, Võ Nhai hộ nghèo còn cao, tỷ lệ là 9,7% - 13,63%). Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, vẫn còn tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo ở vùng thường xảy ra thiên tai như ở Võ Nhai, Định Hóa…
Theo ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tiếp theo, công tác giảm nghèo bền vững của địa phương sẽ tập trung vào một số giải pháp chính: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn; huy động đa dạng các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo; xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo.