Thái Nguyên: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Thái Nguyên: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

(GD&TĐ) - Sáng 21/8, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013. Tham dự hội nghị có Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại biểu đại diện vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.

Các đại biểu tham gia hội nghị
Các đại biểu tham gia hội nghị

Năm học 2011-2012, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thông qua việc xây dựng nhiều đề án, kế hoạch. Có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của đội ngũ, thực hiện có hiệu quả đổi mới công tác quản lý và kiểm tra đánh giá; nền nếp, kỉ cương trong dạy học được tăng cường. Bước đầu hình thành ngân hàng đề thi trong cấp học phổ thông.

Số lượng, chất lượng học sinh ra lớp được giữ vững và nâng cao, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phố cập THCS cơ bản được giữ vững, phổ cập mầm non 5 tuổi được đặc biệt chú ý. Tăng cường chỉ đạo và bám sát cơ sở, tạo sự đồng đều trong đổi mới công tác quản lý, dạy học ở tất cả các cấp học và vùng miền.

Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển theo quy hoạch. Số lượng và chất lượng học sinh học 2 buổi/ 1 ngày tăng, số trường đạt chuẩn quốc gia, thư viện đạt chuẩn tăng hơn so với năm học trước.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT tăng. Số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh đạt cao.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục, chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT và trang thiết bị hiện đại để phục vụ giảng dạy, quản lý và đổi mới công tác cải cách hành chính.

Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD tăng hơn so với năm học trước, công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh, tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra giáo dục được tăng cường. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được toàn ngành hưởng ứng tích cực, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của tất cả các cán bộ giáo viên.

Công tác cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách được quan tâm kịp thời, đúng quy định của Nhà nước, phục vụ tốt cho việc dạy, học và đời sống giáo viên.

Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được phát huy tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách, kĩ năng sống và các giá trị truyền thống cho học sinh...

Tuy nhiên, ngành GD-ĐT Thái Nguyên còn gặp một số hạn chế như: Tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, trẻ suy dinh dưỡng ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn cao. Cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn. Phong trào xây dựng trường hoc thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến tích cực nhưng chưa được chú trọng đúng mức; nhiều trường học chưa thân thiện, chưa sạch sẽ gọn gàng. Phân cấp QLGD còn chưa triệt để, chưa phát huy được hết quyền và trách nhiệm. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng ở các địa phương chỉ mới quan tâm về số lượng, chưa thực sự đi sâu vào chất lượng. Một bộ phận đội ngũ cán bộ QLGD, GV còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm đổi mới trong phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá. Công tác xã hội hóa GD còn nhiều khó khăn hạn chế. Công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, TCCN gặp khó khăn, một số ngành có rất ít học sinh theo học, nguồn tuyển là HS chưa tốt nghiệp THPT chưa được quan tâm đúng mức...

Trong năm học 2012-2013 sắp tới, ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đề ra các phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tăng cường công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để cụ thể hóa và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; Quyết định số 711/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020; Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm quả lý nhà nước về GD; Chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh, giáo viên. Tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác QLGD, đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD ở tất cả các cấp học. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Nâng cao chất lượng đào tạo và thành tích mũi nhọn, kết hợp tăng cường chỉ đạo GD vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lương GD, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD các cấp. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý và công tác cải cách hành chính trường học.

Thái Nguyên: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao thành tích mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đạt được trong năm học 2011-2012. Trong năm học vừa qua, số lượng GV mầm non được vào biên chế đã tăng lên. Việc phát triển trường lớp, phòng học đã được chú trọng, tỉnh đã có thêm các trường THPT, PTDTNT. Cơ sở vật chất được nâng cao, việc kiên cố hóa trường lớp học được thực hiện tốt. Thái Nguyên là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc nên việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho GV là điều cần thiết và tỉnh đã làm tốt điều này. Việc áp dụng CNTT vào giảng dạy ở Thái Nguyên được thực hiện tốt và là một trong những tỉnh có thành tích xuất sắc. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng thành tích và ghi nhận những cố gắng mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đạt đươc trong năm học vừa qua, cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã dành cho giáo dục những ưu tiên quý giá.

Thứ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên cần tiếp tục triển khai trong năm học tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đây phải là những việc làm thường xuyên, phải tạo được nhiều chuyển biến sâu rộng, có hiệu quả tích cực. Việc phổ cập GD theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Chính phủ là rất quan trọng. Phổ cập GD không bao giờ thừa, trong tỉnh Thái Nguyên vẫn có huyện chưa đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi nên trong năm học tới cần nhiều cố gắng. Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng rất quan trọng, Thái Nguyên cần thực hiện phổ cập trước năm 2014. Thứ trưởng lưu ý việc thực hiện mô hình trường tiểu học mới, thực hiện phương pháp “bàn tay nặn bột”, hướng học sinh đến việc tự tìm tòi kiến thức, tránh tình trạng học một chiều. Thứ trưởng đề nghị quan tâm đặt biệt đến công tác xóa mù chữ, phát triển hệ thống trường lớp, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Thái Nguyên: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 3
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Tại Hội nghị, thay mặt cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc cho ngành GD-ĐT Thái Nguyên, trao kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm học 2011-2012, với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của tất cả các cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT Thái Nguyên nhất định sẽ gặt hái được những thành tựu trong năm học mới, xứng đáng với vị thế là một trung tâm vùng của GD-ĐT.

Việt Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...