Khắc ghi và tri ân sự hi sinh trong lịch sử
Là một “địa chỉ đỏ” thiêng liêng đặt tại thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ, khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 là nơi ghi dấu cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh, Liệt sĩ toàn quốc vào ngày 27/7/1947.
Tháng 02 năm 1997, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng và khánh thành khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ, đồng thời dựng bia kỉ niệm. Năm 2007, việc rước chân hương các anh hùng liệt sĩ từ các nghĩa trang trên toàn quốc về nhập tại khu di tích 27/7 được tiến hành.
Di tích lịch sử Địa điểm công bố Ngày Thương binh, Liệt sĩ toàn quốc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 17/7/1997. Đây trở thành nơi ghi dấu thiêng liêng để những thế hệ sau luôn tưởng nhớ, tri ân về những sự hi sinh xương máu của bao thế hệ cha anh.
Là một tỉnh thuộc trung tâm an toàn khu cách mạng, cán bộ và nhân dân Thái Nguyên đã có nhiều cống hiến, hi sinh trong lịch sử bảo vệ và xây dựng tổ quốc, quê hương. Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, toàn tỉnh đã có hàng vạn người con của quê hương lên đường nhập ngũ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, nhiều người đã hy sinh, anh dũng hoặc trở thành những thương binh, bệnh binh, người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 130.000 người có công được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công, trên cơ sở đó người có công, thân nhân người có công đã và đang được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước theo quy định. Ngoài ra còn trên 30.000 người có công với cách mạng trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ. Trong ý nghĩa đó, Khu di tích 27/7 vừa như một sự nhắc nhở của lịch sử, vừa như một sự hội tụ niềm tri ân của nhân dân Thái Nguyên, nhân dân cả nước.
Với ý nghĩa thiêng liêng vọng từ lịch sử, khu di tích đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm hằng năm. Không chỉ vậy, với khuôn viên rộng rãi và quảng trường để phục vụ các hoạt động lớn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, khu di tích đã trở thành một không gian cộng đồng ý nghĩa của người dân địa phương.
Nhiều buổi học tập trải nghiệm hữu ích dành cho các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh đã được các nhà trường và địa phương phối hợp tổ chức. Những hiểu biết về lịch sử, lòng biết ơn và tự hào được truyền vào mỗi bạn trẻ một cách tự nhiên, xúc động. Việc giáo dục truyền thống nhờ đó đã được lồng ghép, lan tỏa một cách hiệu quả.
Nói về việc phát huy giá trị ý nghĩa Khu di tích 27/7, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên trao đổi: “Trong dự kiến, chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức biên soạn sách, xây dựng thư viện truyền thống cho Khu di tích, nhằm cung cấp nhiều hơn tư liệu lịch sử để mỗi người dân, du khách, khi đến đây sẽ có được những thông tin đầy đủ nhất, tổng hợp nhất về những chiến công hiển hách và những hy sinh cao quý của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu, bảo vệ tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và sự hy sinh trong cuộc sống thời bình hôm nay.
Chúng tôi mong muốn và đề xuất nội dung về Khu di tích sẽ được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường để các thế hệ học sinh hiểu sâu sắc hơn về sự hi sinh của các thế hệ cha anh mình: sự hi sinh vĩ đại trong lịch sử, quá khứ và ngay cả hôm nay, để chúng ta luôn biết khắc ghi và tri ân”.
Đền ơn đáp nghĩa, lan tỏa giáo dục truyền thống
Với đạo lí uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, trong những năm qua Thái Nguyên luôn chú trọng, quan tâm chăm lo cho người có công, thương bệnh binh, đối tượng và gia đình chính sách.
Với trách nhiệm, sự quyết tâm và nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng và những người thực hiện, đến nay toàn tỉnh không có tồn đọng về hồ sơ đối tượng chính sách. Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh sớm nhất trong cả nước hoàn thành việc rà soát hồ sơ người có công với cách mạng. Nhờ đó, việc giải quyết chi hỗ trợ được tiến hành rất thuận lợi, kịp thời, đảm bảo.
Thái Nguyên hiện có trên 20.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng tại cộng đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho gần 60 hộ gia đình người có công, thân nhân người có công với cách mạng, với số tiền là gần 7,5 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho hơn 8.300 hộ gia đình người có công, thân nhân người có công với số tiền là hơn 228 tỷ đồng.
Hằng năm, tỉnh thực hiện chế độ điều dưỡng luân phiên cho khoảng 2.000 người có công và thân nhân người có công. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục, đào tạo cho hơn 2.400 lượt đối tượng là con người có công đang theo học tại cơ sở giáo dục, đào tạo, với tổng số tiền là hơn 8,2 tỷ đồng; ưu tiên trong tuyển sinh đào tạo cho 70 người là con người có công với cách mạng theo quy định.
Việc quan tâm và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc đối tượng chính sách của Thái Nguyên những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của địa phương. Cũng qua đó, ý nghĩa về giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay, nhất là với những người trẻ, càng được lan tỏa sâu rộng.