Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh: Thời gian qua, toàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã tích cực triển khai các nội dung của Chỉ thị 05-CT.TƯ gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo viên và học sinh với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị. |
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 100% đơn vị trường học duy trì và thực hiện có hiệu quả thực chất các nội dung của phòng trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Bên cạnh việc tu dưỡng đạo đức đối với giáo viên và học sinh, đội ngũ giáo viên đã tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện, toàn tỉnh có 100% giáo viên đạt chuẩn.
Trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, toàn tỉnh có gần 100 nghìn học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt bình quân 99%; tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của toàn Ngành tính bình quân hàng năm đạt từ 60-70%.
Từ các phong trào thi đua, cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình ở tất cả các cấp học, ngành học. Toàn Ngành có gần 10 nghìn lượt cán bộ quản lý và giáo viên được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp…
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tuy vậy, hiệu quả triển khai Chỉ thị 05-CT/TW gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua còn chênh lệch giữa địa phương; công tác quản lý giáo dục kỹ năng sống và hoạt đông ngoài giờ ở một số đơn vị chưa chặt chẽ; một bộ phận nhà giáo và cán bộ giáo dục còn thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật…
Tại Hội nghị, Sở GD&ĐT tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Phát biểu tại lễ tổng kết, bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá cao Ngành giáo dục Thái Nguyên, đã bám sát với chỉ đạo của Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các nội dung được cụ thể hóa, tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả và được đông đảo các thầy giáo, cô giáo hưởng ứng tích cực.
Hệ thống văn bản, kế hoạch triển khai và công tác kiểm tra giám sát, đánh giá khá chặt chẽ, cùng với sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành, giữa chuyên môn và công đoàn các đơn vị khá nhịp nhàng, đảm bảo gắn kết trong suốt quá trình tổ chức thực hiện đã đem lại nhiều kết quả tích cực và khẳng định tính thực tiễn, hiệu quả của cuộc vận động và phong trào thi đua.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra một số nội dung ngành Giáo dục Thái Nguyên cần quan trong thời gian tới như: Cụ thể hóa nội dung rèn luyện đạo đức, tự học, đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của mỗi nhà giáo. Kết quả thực hiện của mỗi nhà giáo là một tiêu chuẩn đánh giá của cán bộ, giáo viên theo chuẩn; là cơ sở xét thi đua của tập thể, cá nhân trong cả năm học; tính sáng tạo
Đẩy mạnh tuyên truyền gương sáng nhà giáo, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến để nhân rộng với phương châm lấy gương tốt át gương xấu; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông(chủ đông phối hợp với các cơ quan báo chí, mạng xã hội để tuyên truyền- theo quy định của pháp luật), qua facebok của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời các tấm gương điển hình tiêu biểu. Phê bình, uốn nắn, đấu tranh với các quan điểm sai trái, các biểu hiện tiêu cực.
Đặc biệt công đoàn các đơn vị trường học cần chủ động nắm tình hình, phát hiện, có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, giáo viên, nhân viên...