Trước đó, như Báo GD&TĐ đã đưa tin, ông Trần Văn Tỉnh là cán bộ do Huyện ủy Định Hóa quản lý có đi khám bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai về, sau đó không khai báo lịch sử dịch tễ và không tự cách ly khi đã có thông báo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi kiểm tra, xem xét, Ban thường vụ huyện Định Hóa đã thống nhất xử lý ông Trần Văn Tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa, Đảng viên chi bộ Khối Dân với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm và không kỷ luật.
Kết luận nêu rõ, do ông Tỉnh nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan vì cho rằng bản thân trong thời gian đi khám bệnh đã đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay liên tục bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người lạ tại bệnh viện.
Đồng thời, những vi phạm của ông Tỉnh chưa gây hậu quả (kết quả xét nghiệm lần 1, lần 2 vi rút SARS-CoV - 2 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đều cho kết quả âm tính; Bản thân ông đã thành khẩn giải trình, nhận khuyết điểm vi phạm, nghiêm túc kiểm điểm.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh mỗi cá nhân cần có nhận thức đúng đắn và trách nhiệm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là vai trò của cán bộ các cấp, chính quyền, mặt trận địa phương trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Như vậy, dù đã có kết luận của địa phương, tuy nhiên việc làm của ông Tỉnh không những gây hoang mang trong dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Với hình thức "kiểm điểm rút kinh nghiệm" như vậy sẽ không đủ tính răn đe, ngăn chặn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hơn thế, trên cương vị là cán bộ lãnh đạo của một huyện miền núi thì người này đã làm mất uy tín cá nhân, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.