Thái Nguyên đón nhận tích cực chương trình GD mới

GD&TĐ - Sau gần hai tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu đối với khối lớp 1, bước đầu cho thấy Thái Nguyên đang thực hiện một cách nhịp nhàng, bài bản, cả cô và trò đang đón nhận một cách tích cực.

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Phú Lương kiểm tra thực tế tại trường tiểu học Yên Đổ I
Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Phú Lương kiểm tra thực tế tại trường tiểu học Yên Đổ I

Chuẩn bị tốt các điều kiện

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 25.000 học sinh bước vào lớp 1. Với sự nỗ lực trong rà soát, chuẩn bị, sắp xếp bố trí và tổ chức, hiện nay 100% các lớp học khối lớp 1 được tổ chức sĩ số không quá 35 học sinh, có phòng để tổ chức học 2 buổi/ngày, đảm bảo các yêu cầu trong thực hiện chương trình mới.

Với tỉ lệ đạt 1,52 giáo viên/lớp, số lượng và cơ cấu giáo viện hiện có đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình mới. Tất cả giáo viên giảng dạy khổi lớp 1 đã được tập huấn bồi dưỡng về chương trình mới, qua đó có sự chuẩn bị sẵn sàng về cả tâm thế lẫn kiến thức, phương pháp.

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Phú Lương cho biết: Ngay từ trước khi bước vào năm học mới, Phòng đã chỉ đạo cho các trường tiểu học tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên học tập, nghiên cứu nội dung chương trình mới, đặc biệt là việc nghiên cứu, đọc hiểu các bộ sách giáo khoa lớp 1. Nhờ đó, các nhà trường có sự chuẩn bị tốt, việc triển khai cơ bản thuận lợi.

Cô giáo Lương Thị Hòe cùng các học trò lớp 1 trường tiểu học Dương Tự Minh (huyện Phú Lương)
Cô giáo Lương Thị Hòe cùng các học trò lớp 1 trường tiểu học Dương Tự Minh (huyện Phú Lương)

Bà Hà Thị Liễu, Hiệu trưởng trường tiểu học Dương Tự Minh (huyện Phú Lương) cho biết: “Công tác chỉ đạo của các cấp các ngành rất sát sao và kịp thời. Đội ngũ giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm được nhà trường lựa chọn dạy lớp 1. Phụ huynh học sinh được tuyên truyền đầy đủ nên nắm bắt được tinh thần đổi mới về sách giáo khoa, từ đó tích cực phối hợp với thầy cô giáo để chuẩn bị các điều kiện cho con em mình”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đánh giá: “Qua nắm bắt, có thể thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với thực tiễn địa phương; giáo viên đã bước đầu áp dụng được các phương pháp kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; nền nếp dạy học đã bắt đầu được ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1”.

Tích cực triển khai

Đối với trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Thái Nguyên), hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn được tăng cường, chú trọng. “Giáo viên được thường xuyên trao đổi thảo luận, đồng thời tổ chức nắm bắt và đánh giá, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi tuần. Đến nay, cả cô và trò đều đón nhận tích cực chương trình mới. Sự phối hợp, chia sẻ và phản hồi của phụ huynh cũng rất tốt” - cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô giáo Lê Thị Kim Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1E của nhà trường chia sẻ: “Với các hình thức hoạt động, tương tác, thư giãn sinh động, tôi thấy các em học sinh tỏ ra vui vẻ hứng thú và thoải mái trong học tập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ với phụ huynh để có sự thấu hiểu, phối hợp hiệu quả”.

Tại trường tiểu học Yên Đổ I (huyện Phú Lương), mỗi phòng học lớp 1 đều có thiết bị hỗ trợ dạy học (màn hình tivi, kết nối mạng intenet), giúp cho giáo viên có thể sử dụng bộ sách điện tử hoặc các học liệu bổ sung cho các môn học rất thuận tiện. Mỗi giáo viên dạy lớp 1 đã tự đầu tư cho mình một bộ âm thanh trợ giảng để hỗ trợ, phục vụ cho công tác giảng dạy được thuận lợi.

“Việc kết hợp sử dụng bộ sách mềm, những học liệu sinh động đã hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, tạo nhiều hứng thú trong học tập cho các em học sinh. Tuy nhiên, phải nói rằng, khả năng nhận thức của học sinh không đồng đều, một số ít em nhút nhát, tiếp thu bài còn chậm” - cô giáo Ma Thị Yêu, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá.

Tiết học Tiếng Việt của các em học sinh trường tiểu học Yên Đổ I (huyện Phú Lương)
Tiết học Tiếng Việt của các em học sinh trường tiểu học Yên Đổ I (huyện Phú Lương)

Đối với trường tiểu học Thanh Ninh (huyện Phú Bình), việc triển khai cơ bản diễn ra đúng theo kế hoạch. “Chúng tôi tổ chức một số chuyên đề, không chỉ trong trường mà còn cho cả các trường trong huyện, để qua đó đội ngũ giáo viên cùng trao đổi, thống nhất, tìm ra cách làm. Bước đầu, đến nay việc triển khai chương trình mới là khá ổn. Phải nói là giáo viên cũng khá vất vả, nhưng các cô đều nỗ lực hết mình” - cô giáo Vũ Thị Phương, Hiệu trường nhà trường cho biết.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mới cho lớp 1, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các nhà trường một số nội dung: Phân bố hợp lí về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đồng thời phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh; Tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình mới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.