Thái Nguyên: Đánh giá công tác dạy học trực tuyến

Thái Nguyên: Đánh giá công tác dạy học trực tuyến

Ngay sau ngày 04/02/2020, khi học sinh phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh thực hiện dạy học qua internet.

Trên cơ sở rà soát điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực giáo viên, điều kiện học tập của học sinh, các đơn vị giáo dục đã tập huấn cho giáo viên sử dụng các hệ thống phần mềm như Viettelstudy, VNPT-Elearning, bộ phần mềm office 365.

Sở cũng đã tổng hợp, giới thiệu 406 video bài giảng và 205 video chủ đề ôn tập để đảm bảo kịp thời hỗ trợ tư liệu học tập cho học sinh.

Từ ngày 16/3/2020, các bài dạy trên truyền hình tỉnh Thái Nguyên chính thức được phát sóng, với chương trình ôn tập cho học sinh lớp 5 và lớp 9. Các bài dạy được thực hiện bởi những giáo viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm của tỉnh, được phát sóng theo lịch, đồng thời còn phát lại cũng như đăng tải lại trên mạng để học sinh thuận tiện trong theo dõi và xem lại.

Việc học trực tuyến đã được đón nhận và ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công việc này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần tiếp tục tìm cách tháo gỡ.

Tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến còn hạn chế khi cấp THPT đạt 81,93%, cấp THCS đạt 70,65%, khối GDTX đạt 53,31%. Đáng chú ý, với khu vực nông thôn, miền núi, tỉ lệ chung chỉ đạt từ 40-50%.

“Chúng tôi hướng đến mục tiêu chung là sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách phù hợp nhất cho từng nhóm đối tượng học sinh, đảm bảo cho tất cả các em đều được tiếp cận với việc học tập dù không đến trường vì dịch bệnh”. Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Đặc biệt, đối với cấp Tiểu học, việc học trực tuyến khá hạn chế, chủ yếu thực hiện qua hình thức giao nhiệm vụ học tập qua mạng, nhiều nơi điều kiện khó khăn thì giáo viên phải thực hiện giao nhiệm vụ học tập trực tiếp tận gia đình.

Phân tích nguyên nhân của vấn đề này, Sở chỉ ra các trở ngại chính: Cơ sở hạ tầng thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu (không bắt được sóng truyền hình, mạng internet yếu và bị gián đoạn); điều kiện của học sinh còn khó khăn (chưa có tivi, điện thoại thông minh, máy vi tính).

Bên cạnh đó, đối với dạy học trên truyền hình, việc xây dựng bài giảng và phát sóng cho các bộ môn ở tất cả các khối lớp là rất khó, vì đòi hỏi thời lượng phát sóng lớn, nhiều kênh sóng mới có thể đáp ứng được.

Sự hạn chế trong việc tương tác của người dạy với các đối tượng học sinh khác nhau cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và hiệu quả của bài học trên truyền hình.

Sở sẽ tiếp tục duy trì công tác dạy học trực tuyến để đảm bảo hoàn thành chương trình năm học, đồng thời thực hiện tinh giản nội dung học kì II của năm học này. Các bài dạy cho học sinh lớp 12 cũng đã được xây dựng và đang phát sóng trên kênh truyền hình tỉnh, kịp thời hỗ trợ các em ôn tập cho các kì thi cuối cấp.

Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để các trường, các địa phương đảm bảo tốt hơn việc dạy học trực tuyến, đồng thời đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ