Theo thầy Nguyễn Mạnh Sơn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT, sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch, các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với phụ huynh bàn bạc, thống nhất kế hoạch ôn tập cho học sinh trong đó việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.
Các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh quy định của Bộ GD&ĐT.
Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nhà trường không được có bất cứ quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước; đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn;
Báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập; quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình;
Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kì thi THPT quốc gia nói riêng.
Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh Thái Nguyên; đặc biệt là phải đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.
Sở cũng yêu cầu các nhà trường tổ chức học tập quy chế cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; phổ biến quy chế đến cha mẹ học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.
Các đơn vị hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2014 - 2015 và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã qui định.