Lệnh cấm vận do Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga do cuộc xung đột tại Ukraine đang làm suy giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại dầu mỏ quốc tế, khi hầu hết các giao dịch mua bán dầu thô giữa Nga và Ấn Độ đều được thanh toán bằng các đồng tiền khác.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, trong năm 2022, Ấn Độ đã thay thế châu Âu trở thành khách hàng hàng đầu của Nga về dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển. Dầu thô của Nga hiện chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu của Ấn Độ và tăng tới 16 lần so với trước khi chiến sự Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Ngay sau khi bị Mỹ và châu Âu trừng phạt về năng lượng và loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để phi đô la hóa nền kinh tế.
Nước này đã đề nghị các đối tác thiết lập nhiều cơ chế thanh toán không sử dụng đồng USD, đồng thời yêu cầu các quốc gia châu Âu còn quan hệ thương mại phải thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Việc Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu thứ 3 thế giới, chấp nhận chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác trong thanh toán dầu Nga là bước đi quan trọng thách thức sự thống trị của đồng USD trong thương mại dầu mỏ quốc tế.
Các khách hàng Ấn Độ lựa chọn thanh toán dầu của Nga bằng các loại tiền tệ khác như đồng dirham của UAE và gần đây là đồng ruble của Nga dưới sự hỗ trợ của một số ngân hàng Ấn Độ.
Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ cũng có tài khoản ngoại tệ ở Nga, trong khi nhiều ngân hàng từ Nga cũng đã mở tài khoản với các ngân hàng Ấn Độ để tạo thuận lợi cho thương mại giữa 2 nước.
Kết quả là những giao dịch mua dầu mỏ trong 3 tháng qua giữa Ấn Độ với Nga có giá trị tương đương với vài trăm triệu USD đã được thanh toán bằng loại tiền khác, đánh dấu một sự thay đổi chưa từng có trước đây.
Phương Tây cũng đang tích cực thay đổi biện pháp trừng phạt để gây khó cho Nga giao dịch bằng đồng tiền khác USD. Bước đi mới nhất là việc Mỹ và Anh hồi tháng trước đã bổ sung ngân hàng MTS của Nga có trụ sở tại Moscow và Abu Dhabi vào danh sách các tổ chức tài chính bị trừng phạt. MTS chính là đơn vị đã tạo điều kiện cho một số khoản thanh toán dầu mỏ không sử dụng đồng USD của Ấn Độ.
Bất chấp việc này, các ngân hàng của Nga có khả năng vẫn sẽ tìm được cách để lách luật trừng phạt tương tự như trước đó. Các khách hàng dầu mỏ từ Ấn Độ thì vẫn quyết tâm giao dịch dầu mỏ giá rẻ với Nga với lý do chính phủ nước này không yêu cầu họ phải ngừng mua dầu Nga.
Các nhà cung cấp của Nga do đó sẽ không khó để tìm ngân hàng khác nhận thanh toán từ Ấn Độ, hoặc một cơ chế thanh toán thay thế sẽ xuất hiện trong trường hợp hệ thống hiện tại bị chặn.
Trong khi đó, thanh toán đơn hàng dầu mỏ bằng đồng USD đã trở thành thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, sức mạnh của đồng USD trong lĩnh vực này vẫn được đánh giá là “vô song”, nhưng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể không giúp các chính phủ phương Tây đạt được mục tiêu. Lý do là dòng chảy của dầu Nga vẫn đi ra được thế giới trong một năm qua.
Đồng USD hiện có thể chưa bị đe dọa nhưng chính các biện pháp trừng phạt Nga khiến phương Tây tự làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các dịch vụ tài chính trong lĩnh vực dầu mỏ.
Qua đó, các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể góp phần làm xói mòn sự thống trị của đồng USD bằng cách khuyến khích các giao dịch trong một số lĩnh vực sử dụng các loại tiền tệ khác.