'Thả' chuồn chuồn tre 'bay' khắp thế giới

GD&TĐ - Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chuồn chuồn tre Thạch Xá hiện đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá trở thành một trong những điểm tham quan và trải nghiệm độc đáo.
Làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá trở thành một trong những điểm tham quan và trải nghiệm độc đáo.

Tuy nhiên, để làng nghề phát triển, các nghệ nhân luôn ấp ủ hoài bão chuồn chuồn tre làng mình sẽ “bay” khắp thế giới.

Một nét văn hóa xứ Đoài xưa

Trong khuôn khổ dự án “Đối thoại với truyền thống” do câu lạc bộ Di sản kết nối - Hội đồng Anh tổ chức, nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.

Với chủ đề “Chuồn chuồn bay đi đâu?”, các chuyên gia về di sản đã khảo sát, tìm hiểu, phân tích và có cuộc trò chuyện với các nghệ nhân, người làm nghề ở Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội), với mong muốn xây dựng chính sách phù hợp đưa nghề truyền thống chuồn chuồn tre hội nhập và phát triển lên tầm cao mới.

tha chuon chuon tre bay khap the gioi (1).jpg
Chuồn chuồn tre Thạch Xá không chỉ là món đồ chơi dân gian, mà còn trở thành sản phẩm decor trang trí hiện đại.

Dưới sự điều phối của hai chuyên gia – nhà nghiên cứu Nguyễn Lâm Tuấn Anh và Bùi Thị Kim Phương, talkshow về nghề sản xuất chuồn chuồn tre Thạch Xá với sự góp mặt của hai nghệ nhân Đỗ Văn Liên và Nguyễn Hữu Trụ diễn ra vào ngày 8/7, đã thu hút đông đảo khán giả và những người yêu mến di sản.

Ẩn mình dưới chân chùa Tây Phương cổ kính, làng Thạch Xá từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre. Nằm trong vùng đất cổ Thạch Thất theo mạch văn hóa xứ Đoài, một vùng đất có lịch sử và văn hóa lâu đời với trên 50 làng nghề truyền thống đã khiến cho chuồn chuồn tre trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc, được nhiều du khách cả trong và ngoài nước biết tới.

Dưới đôi tay khéo léo của những nghệ nhân dân gian, những chú chuồn chuồn tre được thổi hồn để trở thành món quà văn hóa đậm chất cổ truyền, nhưng vô cùng tinh tế sáng tạo. Nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến tham quan nghề dân gian, đến khách nước ngoài cũng chú tâm ngắm nghĩa và tấm tắc khen những chú chuồn chuồn sao mà đẹp mà xinh.

Theo các nghệ nhân làng nghề Thạch Xá, nghề làm chuồn chuồn tre được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sản phẩm của họ không chỉ đơn giản là các món đồ thủ công, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự khéo léo và sáng tạo. Mỗi sản phẩm mang trong mình một cảm giác hoài cổ, là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa xứ Đoài.

Vào các dịp lễ, Tết, nghệ nhân nơi đây phải tăng ca suốt đêm để làm ra những con chuồn chuồn thật đẹp mắt. Và trong những xưởng chế tác chuồn chuồn, tiếng cưa đục, tiếng cười nói í ới của đám thợ trẻ như pha trộn với những sắc màu sặc sỡ của những cánh chuồn chuồn tre đang được tô điểm.

Nhiều người nghĩ không mấy khó khăn để làm được những chú chuồn chuồn bằng tre, nhưng thực tế không đơn giản. Quá trình làm ra một chú chuồn chuồn tre phải trải qua hơn 10 công đoạn.

Theo nghệ nhân Đỗ Văn Liên, các quy trình làm ra chuồn chuồn rất phức tạp. Ban đầu phải tìm được cây tre thích hợp, sau đó phơi khô, cưa chặt để tạo thân chuồn chuồn. Tre phải được chẻ theo kích thước quy định sẵn thành các bộ phận. Trong đó đầu - thân - đuôi được làm từ một đoạn tre, riêng phần thân phải là từ mấu tre.

Sau khi đã hoàn thiện các bộ phận, người thợ sẽ khoan hai lỗ nhỏ bên thân. Vuốt đuôi, hơ mỏ để tạo hình cong ở phần đầu con chuồn chuồn. Phần cánh phải vót mỏng, mài đầu và lắp ghép thành chuồn chuồn mộc.

Để chuồn chuồn tre “bay xa”

“Để chuồn chuồn đạt được độ cân bằng, nghệ nhân phải đặt mỏ lên một cây que. Nếu chuồn chuồn nghiêng lệch thì người thợ lại căn chỉnh sao cho thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân. Làm được một con chuồn chuồn tre cũng vất vả. Thợ phải rất kiên trì và tỉ mỉ trong từng chi tiết, đặc biệt là các công đoạn khó như đo, vẽ, lắp ghép các mảnh tre”, nghệ nhân Đỗ Văn Liên chia sẻ.

tha chuon chuon tre bay khap the gioi (2).jpg
Các nghệ nhân làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá mong muốn bảo tồn và phát triển bền vững nghề truyền thống.

Sau khi chuồn chuồn tre đã đạt tiêu chuẩn, họa sĩ làng nghề sẽ trang trí các hoa văn, họa tiết bằng một loại sơn mỏng và nhẹ. Dù có nhiều mẫu hoa văn trên thị trường nhưng người Thạch Xá luôn tự sáng tác, vì họ muốn tạo điểm nhấn cho chuồn chuồn quê hương.

Những năm gần đây, một số gia đình ở Thạch Xá đã kết hợp với một số tổ chức xã hội, như Trung tâm Nghiên cứu và Bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Nhiều người ở nơi xa cũng đến Thạch Xá mày mò học nghề.

Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Trụ, trước kia các hộ gia đình làm chuồn chuồn tre phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, đã có nhiều cơ sở đến đặt với đơn hàng lên tới cả trăm nghìn con chuồn chuồn.

Đây là một tín hiệu vui để nghề thủ công truyền thống phát triển. Tuy nhiên về lâu dài, để bảo tồn và phát triển bền vững nghề truyền thống, thì chuồn chồn tre Thạch Xá phải đến tay được người nước ngoài, để quảng bá về văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Trong những năm qua, chuồn chuồn tre Thạch Xá đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Đặc biệt, người Nhật Bản với sở thích sử dụng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ vật liệu tự nhiên, các sản phẩm nghệ thuật của họ cũng gắn liền với thế giới động vật, côn trùng, nhất là chuồn chuồn nên mặt hàng khá ổn định”, nghệ nhân Đỗ Văn Liên tiết lộ.

Tuy nhiên, số lượng chuồn chuồn tre xuất khẩu sang các nước còn hạn chế. Bởi vậy, các nghệ nhân mong muốn được quảng bá nét đẹp văn hóa, giúp sản phẩm truyền thống lan tỏa rộng rãi hơn.

Mỗi chú chuồn chuồn tre được “cất cánh bay xa” không chỉ minh chứng cho quá trình sáng tạo, mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa sâu sắc với hi vọng bảo lưu nghề cổ, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghề sản xuất chuồn chuồn tre tuy phát triển nhưng theo các nghệ nhân Thạch Xá, thì thu nhập không cao, thậm chí không bằng thợ xây. Đó chính là nỗi lo cho tương lai khi người trẻ - vì thu nhập không đảm bảo mà sẵn sàng bỏ nghề. Bởi vậy, bảo tồn nghề truyền thống không chỉ là bài toán khó đối với cả chính quyền và người dân, mà phải bắt nguồn từ chính sách. Có chính sách phù hợp thì nghề truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn có cơ hội phát triển, đặc biệt có thể phục vụ công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa - phục vụ du lịch văn hóa và xuất khẩu sản phẩm sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ