Tết về càng nhớ Trường Sa

GD&TĐ - Ở Trường Sa, Tết đến đồng nghĩa với thời gian bắt đầu mùa khô.

Chào cờ Tổ quốc ở đảo Trường Sa Lớn.
Chào cờ Tổ quốc ở đảo Trường Sa Lớn.

Tết ở Hà Nội thường có rét ngọt và mưa phùn, nếu không mưa thì nắng cũng rất nhẹ. Nhưng ở Trường Sa, Tết đến đồng nghĩa với thời gian bắt đầu mùa khô.

Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 1 - 5; mùa mưa thì từ tháng 6 - 12. Đấy là quy luật thường thấy, nhưng từ khi Trái đất bước vào thời kỳ biến đổi khí hậu thì mùa khô ở Trường Sa kéo dài hơn.

Năm 2022 trên đảo Phan Vinh, suốt sáu tháng đầu năm không có một hạt mưa nào. Đến mùa mưa thì rất dữ dội; mưa sầm sập như chọc trời đổ nước xuống. Có những trận mưa mù trời, mù đất kéo theo giông lốc. Có năm tính được hơn 100 ngày mưa bão với gió cấp 6 trở lên.

Thời tôi còn là sĩ quan hải quân, chiến tranh vừa đi qua, kinh tế còn nghèo nàn, các đảo trên quần đảo Trường Sa hãy còn hoang sơ, đảo nào cũng mang một màu trắng đục của cát hòa trộn đá san hô; nếu đảo nào có chút màu xanh thì đấy là thứ màu xanh hoang dã của những cây bàng vuông, cây phong ba, cây mù u, dây leo, cỏ dại...

Để làm cho đảo “không xa với đất liền” người lính còn trồng khá nhiều cây. Ngoài những loài cây đã có sẵn, họ còn trồng thêm dừa, phi lao, hoa giấy, mẫu đơn, địa lan. Có đảo đã trồng được cả mai vàng, chăm sóc để hoa nở đúng dịp Tết.

Những chiến sĩ hải quân giữ đảo thời ấy thích mùa mưa hơn, bởi mùa mưa sẽ tích được nước, những giọt nước từ trời rơi xuống quý như máu.

Người lính sợ nhất mùa khô. Gần Tết, những chiếc tàu từ quân cảng chở hàng ra đảo cho bộ đội, ngoài lợn, gà, rau, củ, quả, bánh trái, thì không thể thiếu gạo nếp, lá dong, đỗ... để gói bánh chưng. Phải có bánh chưng mới ra cái hương vị Tết.

Nhưng quan trọng hơn cả lại là những khoang tàu chở đầy nước ngọt để phân phối cho các đảo, cho dù số nước ấy cũng chỉ đủ phục vụ mấy ngày Tết và dùng nấu ăn nước uống một thời gian ngắn sau đó.

Nước ngọt hết, mỗi đảo phải tìm ra cách mà thích nghi, để tồn tại; nói cách khác, thời gian còn lại của mùa khô người lính phải tắm giặt hoàn toàn bằng nước biển. Quần áo giặt bằng nước mặn chỉ vài tháng đã mục. Để tiết kiệm, người lính đảo thường để mình trần. Cái thứ nước mặn chát ấy nhuộm thân thể họ đen bóng như gỗ mun.

Tôi từng chứng kiến có những người vợ, người mẹ gửi những cây đào bích, cành đào phai, bó hoa lay ơn theo con tàu ra đảo. Nhưng khi những cây hoa, cành hoa ấy đến tay người chồng, người yêu của họ thì gió chướng chứa muối mặn đã làm cho chúng rụng hết hoa, hết nụ, chỉ còn trơ ra những thân hình gầy guộc. Ngày ấy chưa có chế độ quy định thời hạn ở đảo. Có người ở đảo 3 năm là được về đất liền, nhưng có người ở đảo tới 7 năm vẫn chưa được về.

Tôi có một người đồng đội, khi ra đảo anh rất khỏe mạnh, tóc xanh mướt mát. Tám năm sau trở về đất liền, tóc anh bạc trắng, da đen sạm, nhăn nheo chẳng khác một ông già. Anh cưới một người vợ xinh tươi, đảm đang, nhưng suốt 5 năm anh chị không sinh con.

Đi khám bác sĩ thì được trả lời: Tinh trùng của anh yếu, không đủ sức hoài thai. Bác sĩ không phân tích vì sao hiện trạng của anh lại như thế, nhưng tự anh cảm nhận và linh cảm rất rõ về thân thể mình.

Đời sống của người lính ở đảo suốt tám năm với biết bao nhọc nhằn, thiếu thốn - đặc biệt là thiếu các chất có trong cây rau xanh và hoa quả tươi - làm cho sinh lý của anh biến đổi theo chiều hướng xấu như thế. Có bao nhiêu tiền tích cóp anh mang ra chữa bệnh cho bằng hết. Rốt cục thì năm anh 46 tuổi vợ anh cũng sinh cho anh được một mụn con gái.

Hoa mai, hoa đào đến với Trường Sa. Ảnh: ITN.

Hoa mai, hoa đào đến với Trường Sa. Ảnh: ITN.

Giờ đây, bằng tình yêu biển đảo và sự nỗ lực, cố gắng của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ cùng với sự quan tâm của Quân chủng Hải quân, các cấp chính quyền và nhân dân cả nước, các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đã thay đổi mạnh mẽ và ngoạn mục.

Những đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết... hầu hết đã có vườn cây xanh, công viên, ghế đá; có hệ thống bể ngầm, bể nổi hấng nước mưa từ các mái nhà. Một số đảo còn đào giếng khoan lấy nước dưới đất như đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Trường Sa Đông. Một số đảo còn được lắp máy lọc từ nước biển mặn thành nước ngọt.

Tuy thế, ngoài nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, mỗi năm các đảo đều đón tiếp khá nhiều đoàn khách ra thăm, buộc họ vẫn phải ra một quy chế tiết kiệm nước. Mỗi ngày một người chỉ được dùng 15 lít nước ngọt để tắm giặt; trong 15 lít ấy sẽ được tận dụng lại 1/3 để tưới cây, tưới rau.

Nghĩa là, người lính đảo phải sử dụng theo một quy trình khá nghiêm ngặt: 15 lít nước chia ra làm 3 xô. Xô thứ nhất làm ướt người và quần áo. Sau bước này, người lính xuống biển tắm và giặt quần áo bằng nước mặn.

Xô thứ hai tắm tráng người và giũ quần áo cho vợi nước mặn. Xô thứ ba, người lính phải đứng vào cái chậu lớn để khi dội nước sẽ chảy xuống chậu dưới chân để tận dụng lại. Phần nước còn lại giũ quần áo lần cuối và tận dụng luôn phần nước giặt ấy.

Chính vì cách tiết kiệm nước như thế mà các vườn rau của lính đảo, với hàng chục loại rau, trong đó có cả rau gia vị như húng, tía tô, kinh giới, thì là, mùi tàu... cứ xanh mướt quanh năm. Không bón bằng phân đạm, chỉ bón bằng phân vi sinh nên rau ở đây ăn rất đậm và thơm.

Quần đảo Trường Sa có 12 đảo chìm (đảo đá ngầm): Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát và một số nhà giàn. Các đảo này cũng xây dựng được hệ thống lấy nước mưa từ mái nhà, vẫn thiết kế được vườn rau như các đảo nổi, nhưng thường không đủ nước và rau xanh cho đơn vị dùng; phần lớn phải lắp đặt thêm máy lọc nước biển.

Chiếc máy lọc nước ở nhà giàn Phúc Nguyên còn cung cấp nước ngọt cho nhiều bà con ngư dân làm ăn trên biển. Một số du học sinh từ Hàn Quốc về mang theo kỹ thuật chế tác giàn vườn rau thủy canh rất tiết kiệm nước và đất vi sinh, tặng cho các đảo. Những vườn thủy canh này di chuyển thuận lợi, thích hợp với các đảo chìm.

Mới đây, một số đảo chìm còn được lắp đặt loại máy lọc nước từ không khí, tuy mới chỉ là loại nhỏ, công suất 40 lít/ngày, nhưng đã mở ra một hướng rất khả quan, làm vợi đi nỗi lo về nước, một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nuôi sống bộ đội và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Bộ đội Hải quân trồng rau xanh trên đảo. Ảnh: Quang Đạo.

Bộ đội Hải quân trồng rau xanh trên đảo. Ảnh: Quang Đạo.

Có nước, có rau xanh thì việc chăn nuôi cũng đã thuận lợi. Rau xanh, thịt, trứng là những thứ mà đất liền cung cấp ra đảo khó khăn nhất thì hiện nay một số đảo nổi đã tự lo được. Lợn, gà, chó, mèo, ngan, ngỗng, vịt... dù ít dù nhiều các đảo đều nuôi. Thậm chí, nơi nhiều cỏ còn nuôi được cả bò như đảo Song Tử Tây.

Tất cả các đảo đều được lắp đặt hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời. Tập đoàn Viễn thông Viettel phủ sóng các đảo. Giờ đây không còn cảnh buổi tối cả đảo tập trung đến nhà chỉ huy để xem chung một cái tivi hay nghe chung một chiếc đài bán dẫn như xưa nữa.

Cũng không còn cảnh viết thư gửi về quê mà hàng tháng người thân mới nhận được mà chỉ cần cầm điện thoại thông minh lên bấm vài cái là người thân hiện trên màn hình, chuyện trò thoải mái.

Hiện, thị trấn Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Đá Tây A và đảo Sinh Tồn đã có các hộ dân sinh sống. Họ sống bằng nghề biển. Phần lớn các hộ dân là những đôi vợ chồng 30 - 40 tuổi, có từ một đến hai con. Có trẻ em là có trường học.

Cô - trò đảo Trường Sa Lớn giao lưu với chiến sĩ hải quân.

Cô - trò đảo Trường Sa Lớn giao lưu với chiến sĩ hải quân.

Ngôi trường THCS Kim Liên (tên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh) ngự trên đảo Trường Sa Lớn. Trường có 16 lớp, mỗi lớp mang tên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: An Bang, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Gạc Ma, Trường Sa Đông, Song Tử Tây… Tình thầy với trò, thầy với phụ huynh, thầy với bộ đội ở đây rất gắn bó và trân quý.

Quần đảo Trường Sa hiện có 9 ngôi chùa ngự trên 9 đảo, như chùa Trường Sa Lớn, chùa Đá Tây A, chùa Nam Huyền (đảo Nam Yết), chùa Song Tử Tây, chùa Vinh Phúc (đảo Phan Vinh), chùa Sinh Tồn, chùa Sinh Tồn Đông... Hàng năm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đều đề cử chư tăng luân phiên ra trụ trì theo hạn định. Tất cả chư tăng ra nhận nhiệm vụ trụ trì của Giáo hội Phật giáo đều với tinh thần tự nguyện.

Sau mỗi ngày gánh vác công việc nặng nề, người lính có thể thong dong bước vào chùa tìm giây phút thư thái, tĩnh tâm. Đêm Giao thừa, vào cái khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, tiếng chuông chùa ngân lên. Những người lính đến chùa thắp hương cầu cho quốc thái dân an, tâm niệm những điều Phật dạy mà ý thức về đạo lý làm người.

Nhưng vượt lên trên hết là ý thức về chủ quyền Tổ quốc, cho dù chỉ là một dải đất nhỏ giữa nơi đầu sóng ngọn gió thì đây vẫn là một phần đất đai thiêng của tổ tiên để lại, đã từng bao lần thấm máu người Việt, mỗi người lính đều phải có trách nhiệm giữ gìn.

Để có vườn rau và công viên cây xanh, họ phải dùng tàu chở đất từ đất liền ra, phải xây tường bao để ngăn đất không bị trôi và mái che gió mặn. Những người lính phải thay nhau chăm sóc hàng ngày. Đến phiên chăm sóc vườn rau, người lính nào cũng coi đó là công việc mang niềm vui.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu