Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về hai quần đảo này khi chưa thể một lần trực tiếp đặt chân đến đó.
Vậy nhưng, khi có trên tay cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, độc giả sẽ được gặp “hướng dẫn viên”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy tận tụy, nhiệt tình dẫn dắt mọi người cùng đến “tham quan” quần đảo từ chính những trải nghiệm thực tế mà anh đã từng được đặt chân đến Trường Sa.
“Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là tác phẩm nhỏ xinh, chỉ gồm 90 trang nhưng có thể mang đến cho người đọc “chuyến du lịch” khá trọn vẹn tại quần đảo thân yêu của Tổ quốc.
Với vốn sống đã được tích lũy khi công tác tại quần đảo Trường Sa, tác giả Nguyễn Xuân Thủy mang đến bức tranh tổng quát: “Mỗi chuyến đi Trường Sa, thường thì một con tàu phải mất từ bảy đến mười ngày mới đủ thời gian ghé thăm các đảo trong quần đảo.
Và với khoảng thời gian đó, mỗi chuyến đi cũng chỉ có thể tham quan được một tuyến đảo ở phía Bắc hay phía Nam mà thôi”.
Lời chào từ biển cả
Phần đầu tiên, tác phẩm đã đặt góc nhìn của người đọc đến điểm xuất phát của mọi chuyến tàu ra Trường Sa đó là bến cảng.
“Bến cảng là nơi để tàu thuyền neo đậu trước khi ra khơi hoặc từ ngoài khơi trở về”. Tuy nhiên, không phải bến cảng nào cũng như bến cảng nào. Muốn ra Trường Sa, tàu phải rất lớn và tải trọng cao nên chỉ những cảng nước sâu mới có thể đáp ứng được.
Nối tiếp đó, tác giả giới thiệu về các chú thủy thủ mạnh khỏe, vạm vỡ và phải là người “có sức chịu đựng dẻo dai, chịu say sóng tốt”. Để có thể lênh đênh hàng tuần trên biển, các chú thủy thủ phải trải qua những thử thách và tập luyện thật chăm chỉ, bền bỉ.
Cùng với đó, tác giả còn nhắc đến nỗi ám ảnh gần như xảy ra đối với bất kì ai lần đầu đi biển - say sóng, say đất. Hai loại say này đều đem lại cảm giác mệt mỏi, khó chịu nhiều khi tưởng chừng khó có thể vượt qua.
Thế nhưng, bù lại, trên những chuyến đi biển dài, không chỉ có những lần nằm bẹp vì cơn say sóng hay giấc ngủ lúc nào cũng tròng trành, mà còn có nhiều điều thú vị trên đất liền rất khó để trải nghiệm, quan sát.
Nhất là, phần thưởng bất ngờ chào đón từ sớm mai: “Vào những buổi sáng bình yên trên hải trình ra Trường Sa, nếu như may mắn thì các chú bộ đội và hành khách trên tàu sẽ được tiếp đón những chú cá heo ngộ nghĩnh và dễ thương”.
Thì ra là cá heo - sinh vật biển được rất nhiều người mong muốn chiêm ngưỡng bởi sự thông minh và thân thiện của chúng. Một buổi bình minh trên biển mà được chứng kiến những chú cá heo “biểu diễn” tung mình lên khỏi mặt nước thì thật tuyệt vời.
Cùng lên chuyến tàu đặc biệt 'Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa' để nghe tác giả Nguyễn Xuân Thủy kể chuyện về biển đảo quê hương. Ảnh: Anh Sơn. |
Bên cạnh đó, lời chào từ biển cả được cuốn sách giới thiệu còn là cá chuồn. Loài cá này cũng có khả năng tương tự khi chúng có thể tung mình “bay” lên trên không. Những loài vật thú vị, đáng yêu này không chỉ là lời chào của biển cả dành cho du khách, mà còn cho thấy, thiên nhiên nước ta thật trong lành, dễ thương để từ đó nhắc nhở mọi người phải biết chung tay gìn giữ, bảo vệ.
Đặc biệt, hoạt động thú vị nhất khi vượt sóng ra đảo cùng các thủy thủ là câu cá trên tàu. Theo nhà văn, cái giá thức đêm để trải nghiệm hoạt động này rất đáng giá và được “trả công” đàng hoàng: “Hành khách thức đêm xem câu mực cũng sẽ được “trả công” bằng việc được thưởng thức món mực tươi vừa được nhà bếp trên tàu chế biến tại chỗ”.
Những “người bạn” đặc biệt
Từ “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, người đọc còn được biết đến mùa biển lặng và biển động. Ở mùa biển lặng, vạn vật ở trên đảo có thể sinh sôi, nảy nở và trở thành những “người bạn” đặc biệt của các chú hải quân cũng như người dân sinh sống trên đảo.
Đầu tiên là cây bàng vuông thân thuộc: “Chắc hẳn, khi nói đến Trường Sa, mỗi người đều nghĩ đến hình ảnh cây bàng vuông được khá nhiều người nhắc đến”. Dù rất đỗi gần gũi như thế nhưng qua cách khắc họa của tác giả, người đọc thêm một lần cảm nhận được sự vững vàng trước nắng mưa, gió bão của cây bàng vuông. Qua đó thể hiện tinh thần hiên ngang, bất khuất của bao người con Việt Nam giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngoài bàng vuông còn hai loài cây khác có cái tên thật đặc biệt: Phong ba, bão táp. Nếu như cây phong ba là “cây dũng mãnh nhất ở đảo, được mệnh danh là loài cây chúa tể của đảo” có thân gỗ thì cây bão táp lại là loài “thân thảo sống thành từng bụi”.
Đón khách thăm đảo Nam Yết. Ảnh: Thế Đại. |
Tuy khác nhau về hình dáng nhưng cái tên phong ba, bão táp đã nói lên đặc điểm của chung của chúng: Mạnh mẽ, kiên cường và luôn tiềm ẩn sức sống khổng lồ. Mùa gió muối đến, nhiều cây tưởng chừng chết khô nhưng khi Xuân về, chồi non lại bật ra từ chính những thân cây khô khốc và tiếp tục sinh sôi, nảy nở.
Không chỉ có cây cối để có thể làm bạn, trên đảo còn có những người bạn khác như: Gâu gâu (chó), chú ỉn và cả chít chít (chuột). Giữa muôn trùng khơi, không chỉ có biển và cát trắng, các chú bộ đội còn có thể chơi đùa với những người bạn 4 chân thông minh để phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ nhà.
Đọc những trang văn này, độc giả có thể bật cười để sau đó lắng lại trong cảm xúc rưng rưng…
Tuy nhiên, biển cả không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Đó là khi mùa biển động tới đem theo hai “đặc sản”: “Sóng bạc đầu” và “gió muối” được tác giả Nguyễn Xuân Thủy tái hiện một cách sinh động để bạn đọc hình dung, cảm nhận về mức độ nguy hiểm có khi hủy diệt cả sự sống của chúng.
Trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, mỗi người mới có thể thấm thía nỗi vất vả của những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền đất nước trên khắp các quần đảo cũng như nhà giàn.
Chúng ta cũng khâm phục khi biết dẫu phải sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn là vậy nhưng bằng nghị lực vượt khó và ý chí không chịu khuất phục, những vườn rau tăng gia của các chú hải quân vẫn ngày càng được mở rộng vươn lên xanh tốt trong bão tố, gió mưa.
Trải nghiệm kì thú
Lắng nghe tác giả kể chuyện về Trường Sa, người đọc còn được bước vào những khung cảnh thiên nhiên kỳ thú. Sự đổi màu trong ngày của nước biển thật độc đáo. Tùy từng thời điểm, điều kiện thời tiết và góc độ quan sát, màu nước biển sẽ thay đổi. Vòi rồng cũng là một hiện tượng không hiếm ở vùng biển này.
Nhưng chúng thường bất chợt xuất hiện và biến mất, luôn là một mối nguy hiểm lớn đối với tàu thuyền. Dù có không ít hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng nhiều khoảnh khắc “hiếm có khó tìm” trên đất liền như cầu vồng, bình minh, hoàng hôn thì rất phổ biến ở vùng biển này. Đó cũng là niềm kiêu hãnh của riêng Trường Sa.
Không chỉ thế, tác giả còn dẫn dắt mọi người bước vào thế giới lung linh, huyền diệu của biển cả: “Ở Trường Sa có những loài cá đẹp rực rỡ và lạ mắt mà nếu ở đất liền có mơ cũng không thấy được”.
Nếu như trên mặt đất là thế giới thiên nhiên của con người và những sinh vật khác thì khi ngâm mình xuống dưới làn nước trong xanh kia, mọi người sẽ bước chân vào thế giới thần tiên của các loài thủy sinh như cá, tôm, ốc… Nhưng có điều khác là: “Mỗi loài đều có một cái tên, có thể là tên thật của chúng hoặc cũng có thể là tên do các chú bộ đội Trường Sa đặt cho”.
Chiến sĩ hải quân đổi gác. Ảnh: Thế Đại. |
Như vậy, thế giới cá tôm kia cũng là nơi các chiến sĩ hải quân bầu bạn. Bằng trí tưởng tượng sinh động, các chú đặt tên cho “cư dân” của biển, như “những chú bò tót biển”, “gã cá cóc lo xa”, “tôm cụ” hay “bà chúa ốc nón”...
Đặc điểm, tính cách hay thậm chí là cách đánh bắt, chế biến thành nhiều món ăn khác nhau cũng được tác giả Nguyễn Xuân Thủy ghi chú, kèm theo đó là những bức tranh minh họa độc đáo, đơn giản song đủ sức kích thích trí tưởng tượng của độc giả.
Để có thể tiếp tục giữ gìn, bảo vệ “vùng đất xa nhất của Tổ quốc” đã thấm bao máu xương của cha ông, những người lính và nhân dân tại Trường Sa vẫn ngày đêm bám trụ, tiếp tục học tập, sinh sống và làm việc. Đầu tiên phải kể đến những người chiến sĩ bồng chắc tay súng.
“Có những chú đã có hàng chục năm gắn bó với Trường Sa, đi hết đảo này đến đảo khác nhiều đến nỗi các chú thuộc Trường Sa như lòng bàn tay”. Mặc thời gian đằng đẵng trôi chảy, những người lính này vẫn luôn đứng vững, bám chắc như cây phong ba, bão táp, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài ra, tác phẩm còn nhắc đến những cán bộ điều khiển “mắt thần của biển”, ngọn hải đăng, giúp tàu thuyền có thể ra vào, lưu thông an toàn tại vùng biển Trường Sa. “Những công dân nhỏ tuổi” cũng là mầm non không thể thiếu đang ngày ngày lớn lên, trưởng thành và tiếp nối thế hệ cha anh làm chủ những hòn đảo tại quần đảo Trường Sa.
Chưa khi nào vùng đất này hết khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng biết bao người vẫn kiên cường bám trụ và đang là cột mốc chủ quyền vững chắc nhất, đanh thép nhất tại vùng biển máu thịt của Việt Nam.
Vì vậy, cùng lên chuyến tàu đặc biệt “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” độc giả sẽ được tác giả Nguyễn Xuân Thủy đưa đến với quần đảo Trường Sa và trải nghiệm qua từng trang văn vừa giàu hình ảnh vừa đong đầy cảm xúc khâm phục, mến yêu với người chiến sĩ hải quân, người dân và cả thiên nhiên biển trời bao la, kì thú…
Sáu phần của tác phẩm “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” được sắp xếp lần lượt theo trình tự thời gian của một chuyến ra đảo thật sinh động mà gần gũi. Những trang sách và các dòng chữ nối lại thành con tàu chuyên chở những mẩu chuyện nhỏ được gom lại trong từng phần, tạo cảm giác như là tác giả đang ngồi kể trực tiếp.