Tết - khóa học đặc biệt

GD&TĐ - Tết chính là khoảng thời gian đặc biệt ý nghĩa mà các dịp khác không có. Cho con cơ hội để trải nghiệm về Tết, dạy con về ngày đặc biệt này là điều cha mẹ cần làm để trang bị kỹ năng sống cho trẻ.

Cha mẹ có thể dạy con học toán qua những hoạt động Tết. Ảnh minh họa
Cha mẹ có thể dạy con học toán qua những hoạt động Tết. Ảnh minh họa

Ngày “trọng” tình cảm

Tết Nguyên đán là dịp để trẻ gặp người thân trong gia đình, bạn của cha mẹ. Và có lẽ, trong một năm, đây là dịp con được tiếp xúc với nhiều người lạ nhất. Chính vì thế, chắc hẳn bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng mong con sẽ hiểu những lễ nghĩa cơ bản trong ngày Tết. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cha mẹ dạy con sớm sẽ tốt hơn cho sự phát triển của trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, diễn giả - kỷ lục gia Trần Quốc Phúc nhấn mạnh, trước hết, cha mẹ cần dạy con về ý nghĩa của Tết cổ truyền.

“Cha mẹ hãy nói cho con biết Tết cổ truyền có ý nghĩa tốt đẹp như thế nào trong văn hóa Việt Nam, các phong tục của dân tộc như: Trang trí nhà cửa, chuẩn bị mai, đào, bày biện mâm ngũ quả, các loại kẹo mứt, bánh chưng, món ăn đặc trưng mùa Tết. Điều này giúp con hiểu bản sắc văn hóa dân tộc và trân trọng Tết hơn”, chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tết cũng là dịp con - cháu về quê thăm hỏi ông bà, gắn kết tình thân. Bởi vậy, phụ huynh được khuyến khích nên dạy con về tổ tiên, dòng dõi. Nhờ đó, giúp trẻ biết ơn ông bà - những người đã sinh ra cha mẹ mình. Đồng thời, con sẽ có sự kết nối với dòng họ, lưu giữ truyền thống, tình cảm gia đình.

Ngoài ra, để con biết chúc Tết và trân trọng lì xì cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

“Chúc Tết và lì xì cho trẻ em là một phong tục rất đẹp, với mong muốn đem đến điều may mắn cho các con. Vì vậy, cha mẹ cần dạy con ý nghĩa tốt đẹp của lì xì. Khi nhận lì xì, con nên vui cười, nói cảm ơn, biết ơn người đã lì xì cho con và trân trọng cùng lời chúc, chứ không chỉ chú ý đến số tiền trong đó”, chuyên gia Trần Quốc Phúc chia sẻ.

Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau. Do đó, đây cũng là dịp để tình thân trong gia đình ngày càng gắn kết. Vì vậy, ông Phúc cho rằng, phụ huynh cần dạy con bớt thời gian cá nhân như chơi điện tử, đi chơi với bạn bè... Thay vào đó, con nên về nhà sum họp, ăn cơm với gia đình vào dịp Tết.

Tết đến cũng đồng nghĩa rằng, không ít trẻ được mua nhiều đồ mới, quần áo, giày dép, bánh kẹo. Trong khi đó, một số trẻ lớn hơn được mua điện thoại mới, làm tóc, làm đẹp. Tuy nhiên, theo ông Phúc, cha mẹ cần nhấn mạnh với trẻ rằng, Tết là thời điểm phụ huynh phải mua sắm cho gia đình. Vì vậy, con cần tiết kiệm, không vòi vĩnh.

“Học” vào ngày Tết

Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp –giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam chia sẻ, trong dịp Tết Nguyên đán, cha mẹ hãy cùng con lên thời gian biểu. Bởi, khi bắt đầu nghỉ, thời gian biểu sẽ khác. Khi đó, phụ huynh cần động viên con tự làm thời gian biểu, với nhiều “quyền lợi”. Ví dụ, con có thể ngủ dậy muộn hơn, xem tivi nhiều hơn, thức khuya hơn... Tuy nhiên, con sẽ cần thay đổi thời gian biểu này vào 2 ngày trước khi quay lại trường học. Nhờ đó, trẻ sẽ có thời gian làm quen với nhịp sống bình thường.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nhận “nhiệm vụ quan trọng” trong ngày Tết. Đó là trang trí nhà cửa. Theo bà Điệp, điều quan trọng là cha mẹ không nên “duy mỹ” quá. Thay vào đó, hãy để trẻ được sắp đặt theo ý con. Phụ huynh được khuyến khích để con hòa mình vào không khí náo nức thông qua công việc trang trí.

Theo bà Phan Hồ Điệp, Tết cũng là thời gian mang lại nhiều cách “học” hay cho trẻ.

“Có lẽ, không có khoảng thời gian nào trong năm mà cha mẹ có thể hướng dẫn con các bài tập về giao tiếp tốt hơn. Hãy chơi trò đóng vai để con được làm một chủ nhà thân thiện hoặc một người khách lịch sự. Với những bạn lớn hơn, hãy tham khảo ý kiến của trẻ xem sẽ nên mời ai, tiếp đón thế nào cho chu đáo, sắp đặt bàn tiệc, cắm hoa, rót nước...”, nữ giảng viên gợi ý.

Không những vậy, bà Điệp cho rằng, cha mẹ hãy giúp con học giỏi hơn nhờ dịp Tết. Với các bé tiểu học, phụ huynh có thể thành lập “nhà xuất bản Cún bông/ Nhà xuất bản Họa mi...”. Sau đó, hãy cho trẻ tự làm sách. Và, điều đặc biệt là, cha mẹ hãy trở thành “khách hàng” đầu tiên mua sách của trẻ. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con làm sách với nhiều hình dạng khác nhau.

Ngoài ra, chỉ với những việc nhà trong dịp Tết, trẻ cũng có thể cải thiện kỹ năng tính toán. Bởi, cha mẹ hoàn toàn có thể dạy con thông qua việc tính khối lượng gạo, đỗ để nấu bánh chưng.

“Hoặc, nhờ con sưu tầm 10 loại lá khác nhau. Nghĩ ra 5 loại quả để bày mâm ngũ quả. Với các bạn nữ, mẹ có thể hướng dẫn cách làm nước hoa từ những cánh hoa đào...”, nữ giảng viên gợi ý.

Chắc hẳn, sẽ có những lúc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi trong dịp Tết khi phải dọn dẹp, mua sắm, chăm sóc con... Khi đó, bà Phan Hồ Điệp cho rằng, phụ huynh có thể gợi ý con tham gia một số trò chơi yên lặng.

“Hướng dẫn con quan sát và theo dõi đường đi của những con kiến để tìm ra tổ của chúng. Thử cho bé vẽ những vạch phấn trên đường đi về tổ để xem chúng đã “bối rối” thế nào. Bé sẽ mải mê và bị cuốn hút vào đó rất lâu”, bà Điệp chia sẻ.

Phụ huynh cũng có thể cùng con chơi trò “giả tượng”. Ai cử động trước sẽ thua.

Hoặc, một số trò chơi khác bao gồm: Xem ai yên lặng lâu hơn, xếp hình, cờ caro, tìm điểm khác biệt giữa hai hình...

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”

Theo ông Phan Duẫn - Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, trẻ cần học kỹ năng chúc Tết. Bởi, không chỉ người lớn cần chúc nhau, trẻ em cũng nên học cách chào hỏi đầu năm mới để nhận được nhiều may mắn. Do đó, phụ huynh được khuyến khích dạy trẻ kỹ năng chúc Tết khi con có thể nói lưu loát và rõ ràng.

“Cách chúc Tết tùy thuộc vào độ tuổi. Ví dụ, với ông bà, cần chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”. Với người lớn (trung niên), chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”. Với anh/chị, chúc “hạnh phúc, may mắn”… Khi chúc, bé nên nhìn thẳng vào mắt người đối diện, vòng tay với thái độ vui vẻ và lễ phép”, ông Phan Duẫn cho biết.

Đặc biệt, lời chúc của con sẽ vô cùng thú vị nếu phụ huynh hướng dẫn hoặc làm giúp trẻ một bài thơ/vè. Tuy nhiên, yếu tố cần thiết là giúp con thật tự tin khi “thể hiện”. Và, các cha mẹ cần nhớ rằng, con cần đáp lời cảm ơn với thái độ vui mừng khi được mọi người chúc Tết.

Trong ngày Tết, khi tới thăm nhà nhau, chủ nhà thường giữ khách ở lại cùng ăn cơm. Tuy nhiên, không ít gia đình “muối mặt” khi trẻ có những hành động quậy phá trong bữa cơm. Trong khi đó, một số bé có xu hướng ngồi im, phụng phịu.

Theo ông Phan Duẫn, cách giải quyết tốt nhất cho tình huống này là cha mẹ chủ động mang theo trò chơi cho bé, hoặc cho con ra xem tivi ngồi đợi cha mẹ. Đối với trẻ ăn ngậm, ăn chậm hoặc lười ăn, phụ huynh có thể cho con ăn ít. Sau đó, để con về nhà ăn tiếp. Đáng lưu ý là, cha mẹ không nên ép con ăn khi đến chơi nhà người khác.

Chắc hẳn, sẽ có những lúc trẻ gặp nhiều khách tới thăm nhà vào dịp Tết. Và, đây cũng là cơ hội để phụ huynh giúp con trở thành một người chủ nhà rộng lượng. Cha mẹ được gợi ý cho con học cách tiếp đãi khách, như mang nước và bày đồ ăn, tùy vào khả năng của trẻ. Đối với những trẻ nhỏ, con cần giữ thái độ lễ phép, trung thực và vui vẻ khi giao tiếp với khách. Và, con cần biết rằng, không nên xen ngang hoặc nô đùa ồn ào khi cha mẹ đang nói chuyện với khách. Và, trẻ cũng không được tranh luận hay bình phẩm với khách.

“Cha mẹ cũng cần chú ý quan sát trẻ, kịp thời ngăn chặn những hành động không tốt của trẻ, bằng cách chuyển chủ đề cho trẻ quên đi. Đồng thời, dạy trẻ cách lịch sự khi tiễn khách, thể hiện cảm tình như “cô chú lần sau lại tới nhà cháu chơi”… Cha mẹ cần chú ý không nhận xét sau khi khách đã về. Điều này khiến trẻ rất dễ học theo thói quen nói xấu sau lưng người khác”, ông Phan Duẫn nhấn mạnh.

Chuyên gia này đồng thời khuyến khích, các phụ huynh khi đi ra ngoài nên dẫn trẻ đi theo. Bởi, việc dạy trẻ làm khách là một điều tốt. Điều đầu tiên, cha mẹ cần cho trẻ biết con sắp đi đâu, cần xưng hô với người đó như thế nào. Như vậy, khi đối mặt với hoàn cảnh lạ, trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi, ngượng ngùng. Cha mẹ cần chủ động dẫn trẻ vào giới thiệu với chủ nhà, giúp con cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng.

“Bất kể khi đến nhà bạn nhỏ hay người lớn, trẻ đều phải chủ động nói lời chào trước. Trẻ cũng nên biết nói lời cám ơn khi nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình của chủ nhà. Nếu trẻ chưa biết, cha mẹ có thể hướng dẫn để con học theo”, ông Phan Duẫn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.