Không có buôn bán, không làm việc ngoài đồng, không có công việc lao động nặng nhọc. Người lớn và trẻ em đều mặc quần áo ngày hội. Người nghèo khó bán hết đồ và vay nợ để kiếm tiền vui chơi.
Công sở đóng cửa từ ngày 25 của tháng Mười Hai âm Lịch, mọi công việc của chính phủ đều ngưng lại, hộp đựng con dấu được đóng lại cho đến ngày thứ 11 của tháng đầu năm sau. Dân thường nghỉ ba ngày, những ngày còn lại họ phải hầu hạ người giàu, nhưng bù lại họ được trả công cao hơn và vì số người làm việc này không nhiều nên họ có thể mặc cả với giá cao. Đây cũng là thời gian vui sướng nhất của những người giúp việc. Họ không sợ bị rầy la vì chủ tránh nặng lời, sợ mang tiếng cả năm.
Nhà giàu và quan lại mặc lễ phục đi thăm hỏi nhau, họ trao đổi thiệp hồng và lễ vật. Tết cũng là ngày hội đối với trẻ con. Sau những lời chúc tụng người lớn, chúng được nhận những đồng tiền gói trong giấy hồng.
Màu đỏ hiện diện khắp nơi, đó là màu chỉ niềm vui. Trước mỗi nhà có các cây cột, trên ngọn trang trí lá dừa hay lông gà, vào buổi tối người ta treo thêm đèn lồng đủ màu. Những cột này dành cho tổ tiên hay cha mẹ đã khuất bóng. Người ta tin rằng linh hồn họ mỗi năm trở lại viếng thăm và che chở cho gia đình. Các cây cột giúp họ nhận ra nhà của con cháu để dừng lại mà không đi lạc qua nhà khác.
Trước ngạch cửa nhà, người ta dùng vôi vẽ lên mặt đất những hình cung tên. Tập quán này nhắc lại truyền thuyết về cuộc chiến giữa Phật và ma quỷ. Có nhà còn đặt trước cửa cây xương rồng và cành gai để ngăn tà ma khỏi vào quấy phá trong các ngày lễ. Ở phía bên trái mặt tường của cửa ra vào, người ta dựng một bàn thờ nhỏ cúng thần cửa. Họ đốt nến, thắp hương, còn nhà giàu hơn thì cúng hoa trái, bánh, giấy vàng mã và thức ăn. Tất cả được thay hai lần mỗi ngày.
Bên trong mọi nhà, bàn ghế các thứ được kê lại ngay ngắn. Ở cuối sân, người ta treo những cành hoa và tua giấy để cúng thần giếng. Thầy bói được mời đến nhà để cân nước và đoán số. Cân nước là đổ vào hai cái vò một lượng nước bằng nhau.
Một vò được dùng trước ngày Tết và một vò bắt đầu lấy sau ngày đầu năm. Nếu nước của năm cũ nặng hơn của năm mới thì thầy bói sẽ cho biết những tai họa sẽ xảy đến cho năm mới để đề phòng. Từ sáng sớm mồng Một, thành phố Huế nhộn nhịp khác thường. Quan lại và các ông hoàng có đông người hầu theo sau, mặc trang phục ngày hội để đi vào hoàng thành chúc Tết nhà vua. Ở khắp mọi phía, lính thị vệ cầm giáo hoặc kiếm, trông coi dọc bờ sông để giữ trật tự đám thuyền bè chở các quan đến.
Nơi các khu ngoại thành, người ta đang chuẩn bị cho lễ buổi chiều. Vào lúc 3 giờ, nhà Vua sẽ thực hiện cuộc đi dạo trọng thể qua các nẻo đường trong thành phố.
Đúng 3 giờ, một phát đại bác nổ vang từ Hoàng Thành báo tin nhà Vua xuất cung. Đoàn rước đi qua sông trên chiếc cầu gỗ lớn nối liền hai bờ. Đám rước đi qua giữa hai hàng quân Pháp, theo sau là một đoàn hơn nghìn người, gồm các hoàng thân, quan đại thần, thượng thư, quan lại các cấp, người trong cung, phường nhạc công, lính hộ vệ cầm giáo, gươm, cờ, lọng.
Vua ngồi trên một chiếc kiệu thếp vàng, che bằng tán vàng và bốn lọng cũng màu vàng, do bốn người lực lưỡng khiêng. Dân chúng đứng đầy hai bên đường, quỳ xuống sụp đầu sát đất khi vua đi qua. Từng tràng pháo nổ đuổi theo sau, không gian tràn ngập mùi hương trầm đốt trên các hương án phủ vải thêu, có chưng những bình hoa, được dựng lên suốt dọc đường nơi đám rước đi qua. Trước các hương án là những người dân già nhất của Huế đứng chờ để chào vua và cũng để nhận sự khen thưởng vì đã sống lâu.
Trong mấy ngày Tết người dân tha hồ ăn uống, với mỗi ngày ba buổi ăn thịnh soạn, sau khi đã dâng cúng tổ tiên. Tại gian bếp phía sau nhà, người ta dâng hương cúng ba ông Táo hiện diện nơi ba hòn đá làm lò bếp.