Theo Defense News, vụ thử được công nhận là thành công khi nguyên mẫu tên lửa được phóng đi mang đầy đủ tính năng như vũ khí chiến đấu.
"B-52H phóng thành công AGM-183A ngoài khơi California. Đây là lần đầu nguyên mẫu đầy đủ tính năng của tên lửa ở trạng thái chiến đấu hoàn chỉnh, trước đó các cuộc thử nghiệm chỉ tập trung kiểm tra các tính năng đơn lẻ của vũ khí", Không quân Mỹ cho biết.
AGM-183A hay còn gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) và là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm tương lai đang được Không quân Mỹ tiến hành nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với đối thủ.
Tên lửa vượt siêu âm AGM-183A được phát triển theo yêu cầu của Không quân Mỹ, đây là một trong hai nguyên mẫu vũ khí tấn công với tốc độ vượt siêu thanh của Không quân Mỹ.
Khi hoàn thành thử nghiệm và AGM-183A chính thức được trang bị, Không quân Mỹ sẽ sở hữu loại vũ khí được đánh giá hơn hẳn Kh-47M2 Kinzhal trong Không quân Nga ở mọi chỉ số.
Tên lửa AGM-183A có tốc độ tối đa lên tới Mach 20, tức hơn 20 lần so với tốc độ âm thanh. Tầm bắn của tên lửa chưa được công bố cụ thể nhưng theo một số ước tính sẽ không dưới 2.000km, thậm chí có thể đạt tới trên 5.000km.
Đặc biệt, đầu đạn của AGM-183A có quỹ đạo cực kỳ linh hoạt và không thể dự đoán trước, có vận tốc gần gấp đôi tên lửa Kh-47M2 Kinzhal.
Tên lửa AGM-183A còn có thể được phóng từ nhiều loại máy bay chiến lược B-52H, B-1B hay B-2A trong từ điều kiện thông thường trong khi để đạt tới vận tốc tối đa Mach 10 và cự ly 2.000 km, tên lửa Kh-47M2 Kinzhal của Nga được cho là sẽ cần MiG-31K phải phóng đạn ở độ cao 20km và duy trì tốc độ Mach 2.
Tên lửa chiến thuật siêu thanh của Mỹ do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển, phối hợp với nhiều công ty quốc phòng khác tiến hành từ năm 2018. Theo kế hoạch ban đầu, ARRW dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020.
Dù đã quá thời hạn nói trên nhưng hiện Mỹ vẫn đang vật lộn với các cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với AGM-183A. Trong khi đó, Kinzhal thường xuyên được Nga tin dùng khi phát động tấn công vào Ukraine.
Giới chuyên gia cho rằng, hiện Mỹ đã gặt hái được một số thành công nhất định trong việc tạo ra vũ khí siêu thanh nhưng ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ không thể nhanh chóng tạo ra những vũ khí vượt siêu thanh do thiếu nền tảng kỹ thuật.
Tiến sĩ khoa học quân sự, chuyên gia Konstantin Sivkov tự tin rằng, Mỹ sẽ mất ít nhất 5 năm trước khi đưa các vũ khí vượt siêu thanh vào lực lượng vũ trang nước này.
Ông Sivkov nhấn mạnh, các thử nghiệm bay và thử nghiệm mặt đất cũng việc như tạo ra một hệ thống điều khiển....cần tối thiểu 3 đến 4 năm.