Vượt khó xây dựng lưới điện thông minh
Tuy còn muôn vàn khó khăn do hoạt động ở địa bàn miền núi, biên giới, song Công ty Điện lực Điện Biên vẫn luôn chủ động khắc phục, chú trọng, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và khoa học vào thực tế công việc. Đáng chú ý là việc phát triển lưới điện và quản lý vận hành hệ thống điện. Qua đó, góp phần nâng cao độ tin cậy trong việc cung cấp điện năng và tăng năng suất lao động.
Hiện nay, các Trạm biến áp (TBA) 110kV cần được tự động hóa nhằm dễ dàng theo dõi, điều độ công suất trên lưới điện và giảm các lỗi thao tác do vận hành gây ra. Trước yêu cầu về công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện ngày càng lớn, tháng 9/2020, Công ty Điện lực Điện Biên đã chính thức đưa hệ thống SCADA/DMS của Trung tâm điều khiển xa vào vận hành. Đây là mô hình có tính chất đột phá trong việc phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.
Việc làm trên thực hiện với mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước tự động hóa công tác sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, truyền tải điện năng để tăng năng suất lao động trong ngành điện. Từng bước thích ứng với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Cùng với đó là việc cải tạo nâng cấp TBA 110kV Tuần Giáo, trạm biến áp 110kV Điện Biên thành các TBA không người trực có thiết bị điều khiển từ xa.
Mô hình này đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện. Đến nay, Công ty Điện lực Điện Biên đã có 2/2 TBA 110kV, 1/1 trạm cắt 110kV vận hành với tiêu chí không người trực. Các trạm 110kV đang vận hành chế độ thao tác xa có giám sát tại chỗ.
Đến nay, tỷ lệ thao tác xa thành công Máy cắt, dao cách ly 110kV là 95,96%, chuyển nấc máy biến áp (MBA) 110kV là 100%. Có 136/136 thiết bị Recloser/LBS trên lưới trung thế được kết nối và điều khiển xa từ Trung tâm Điều khiển xa Điện Biên. Trong đó, 104 thiết bị Recloser/LBS kết nối hoạt động trên phần mền SP5, 32 thiết bị Recloser/LBS kết nối hoạt động trên phần mền Hãng Noza, Schneider, Coppe.
Còn tỷ lệ thao tác xa thành công là 94,75%. Dự kiến, trong tháng 6/2021 sẽ đưa TBA 110kV Mường Chà vào vận hành và thực hiện điều khiển xa. Tại các TBA và bổ sung các hệ thống phụ trợ: hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy, hệ thống kiểm soát vào ra... và thiết bị I/O để kết nối các tín hiệu truyền dữ liệu về Trung tâm điều khiển xa.
An toàn, tiện lợi…
Theo ông Phạm Hồng Nam - Trưởng trung tâm ĐKX Điện Biên: “TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Các TBA 110kV không còn công nhân trực vận hành thì các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa”.
Với hệ thống điều hành SCADA việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm điều khiển xa và các TBA 110kV không người trực đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như trong công tác quản lý vận hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Qua đánh giá thực tế, nhận thấy TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Rõ ràng, từ đây đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo.
Nếu trước đây, khi lưới điện xảy ra sự cố, các nhân viên kỹ thuật phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố..., thì hiện nay, điều độ viên trong ca trực sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố hoặc cảnh báo sự cố, thông qua còi báo động của phần mềm điều khiển. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, điều độ viên sẽ xử lý sự cố, cấp điện nhanh chóng, lưới điện vận hành đảm bảo an toàn, liên tục.
Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý.
So với trước đây, tình trạng các thông số vượt ngưỡng không còn xảy ra, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Sau khi đưa vào hoạt động, các TBA không người trực giúp giảm hơn 50% nhân lực vận hành, góp phần giảm chi phí, giảm thời gian và thao tác xử lý sự cố, nâng cao năng suất và độ tin cậy, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện.