Vào ngày 28/1/2019, các chuyên gia tại Trung tâm thông tin khoa học nguyên tử (BAS) cập nhật số liệu của chiếc đồng hồ giả định sử dụng, để đo lường khoảng cách tiến tới sự hủy diệt của nhân loại, dựa trên vị trí hiện tại của kim đồng hồ với thời điểm nửa đêm - thời điểm được cho là tận thế.
Vào năm 2018, kim của chiếc đồng hồ tận thế tăng nửa phút, chỉ còn cách thời điểm nửa đêm 2 phút, gần với thời điểm tận thế hơn bao giờ hết. Cảnh báo về những rủi ro mới nhất, đại diện của BAS thông báo trong ngày 28/1 rằng đồng hồ vẫn sẽ dừng ở mức 2 phút trước nửa đêm.
“Tuy không có sự thay đổi so với năm 2018, nhưng không thể coi đây là dấu hiệu cho sự ổn định, mà là lời cảnh báo rõ ràng tới các nhà lãnh đạo và công dân trên toàn thế giới về nguy hiểm cận kề” - Chủ tịch và là CEO của BAS, ông Rachel Bronson nhấn mạnh.
Cứ hai lần một năm, các nhà khoa học và chuyên gia chính sách của BAS lại được triệu tập để đánh giá các sự kiện trong năm trên “sân khấu” thế giới, qua đó quyết định hướng di chuyển của kim đồng hồ tận thế (xem chúng tiến lên, lùi lại hay đứng im).
Trong năm 2018, họ phát hiện mối đe dọa kép từ nguy cơ chiến tranh hạt nhân và Trái đất nóng lên, tiếp tục đẩy Trái đất gần với sự hủy diệt. Hai mối nguy hiểm này đã tạo nên hiện trạng không bền vững mà các chuyên gia BAS đặt tên là “sự bất thường mới” - ông Bronson chia sẻ với giới truyền thông.
“Các nhà lãnh đạo và người dân trên thế giới ít quan tâm đến thực tại bất thường này, vì thế khả năng chúng ta phải trải nghiệm những điều không thể tưởng tượng nổi càng lớn” - cựu Thống đốc bang Cali (Mỹ), ông Jerry Brown, Chủ tịch điều hành BAS, phát biểu.
Thái độ và sự biện hộ giữa Mỹ - Triều Tiên về kho vũ khí hạt nhân đã giảm nhẹ kể từ năm 2017, xong sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân đã tăng lên trên toàn thế giới, đi kèm với tư duy “chiến tranh Lạnh” đe dọa sẽ hủy hoại toàn bộ công sức giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân kéo dài trong hàng thập kỷ qua, theo GS Sharon Squassoni, thành viên của Hội đồng Khoa học và An ninh BAS, thành viên Viện Chính sách Công nghệ và Khoa học quốc tế tại ĐH George Washington.
Hơn nữa, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, những quốc gia nắm giữ 90% số vũ khí hạt nhân trên thế giới, vẫn ở trong tình trạng căng thẳng, tăng khả năng xung đột hạt nhân.
Về biến đổi khí hậu, sự tồi tệ trong năm qua “cực kỳ báo động”, theo Susan Solomon thuộc BAS – GS về Nghiên cứu Môi trường từ ĐH MIT.
Đối với Mỹ nói riêng, thất bại trong kiềm chế phát thải khí carbon và đổ tài nguyên vào việc củng cố cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch là hành động “cố tình” lờ đi trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, theo GS Solomon.
Trong suốt năm 2018, các báo cáo mô tả về tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và hiểm nguy từ việc thất bại giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã tăng lên tới mức báo động. Băng ở Nam cực và Greenland tan nhanh hơn dự kiến. Khi Bắc cực nóng lên, các bể chứa carbon khổng lồ trong lòng đất sẽ được giải phóng, càng làm tăng tốc sự nóng lên. Nhiệt độ đại dương nóng mức kỷ lục, theo số liệu đo từ thập niên 50 cho tới nay và chúng kích thích các cơn bão trở nên mạnh hơn.
Sau khi điều tra 275 nghiên cứu thực hiện trong vòng 9 năm qua, các nhà khoa học cảnh báo về cơn khủng hoảng khí hậu sắp đến sẽ gây nguy hại tới hàng triệu người với các thảm họa thời tiết như hạn hán, ô nhiễm, mực nước biển tăng....
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể quay ngược chiếc đồng hồ. Vào năm 1991, đồng hồ đã quay ngược 17 phút trước nửa đêm, nhờ vào các quan hệ đối tác toàn cầu mới nổi trong việc kết thúc chiến tranh Lạnh và giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân. Nhưng trong những thập kỷ sau đó, kim đồng hồ đã từ từ dịch gần tới thời điểm tận thế. Tuy Đồng hồ Tận thế chỉ mang tính tượng trưng, những vấn đề nó thể hiện là thực tế và BAS khẩn thiết yêu cầu thế giới tìm ra giải pháp trước khi quá muộn.