Mặt khuất (bán cầu không nhìn thấy từ Trái đất) của Mặt trăng trong thực tế là chưa hề được khám phá. Tàu Hằng Nga 4 đã nghiên cứu bề mặt Mặt trăng (cấu trúc và thành phần khoáng chất). Con tàu cũng thực hiện các thử nghiệm thiên văn vô tuyến. Mặt khuất của Mặt trăng không có nhiễu điện từ do con người hoặc do cực quang hay tầng điện ly gây ra.
Theo Tân Hoa xã, tàu Hằng Nga 4 có thể đã mang theo hạt giống và trứng tằm.
Việc đổ bộ của tàu Hằng Nga 4 lên mặt khuất của Mặt trăng cho thấy, tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc về vũ trụ. Vào năm 2013, tàu Hằng Nga 3 là con tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống Mặt trăng kể từ thời “tàu Luna cuối cùng” (tàu Luna 24 của Liên Xô, năm 1976).
Trung Quốc đang cố gắng đuổi kịp Mỹ và Nga trong cuộc chạy đua vào vũ trụ, để đến năm 2030 trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Vào năm 2019, Trung Quốc bắt đầu công việc xây dựng trạm vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cũng có thể thực hiện sứ mệnh tàu nghiên cứu có phi hành đoàn lên Mặt trăng và gửi xe tự hành lên sao Hỏa sau năm 2020.
Ông Harrison Schmidt - thành viên sứ mệnh Apollo 17 của Mỹ và là người cuối cùng đặt chân lên Mặt trăng, từng đề xuất để tàu Apollo 17 đổ bộ xuống mặt khuất của Mặt trăng. Tuy nhiên NASA không chấp nhận. Một trong những khó khăn liên quan đến việc đổ bộ lên mặt khuất của Mặt trăng là việc liên lạc với Trái đất.
Sứ mệnh vũ trụ đầu tiên có phi hành đoàn của Trung Quốc diễn ra vào năm 2003. Lúc đó, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba đưa phi hành gia vào vũ trụ (sau Mỹ và Liên Xô). Trung Quốc hiện có 2 trạm vũ trụ trên quỹ đạo, trong đó trạm thứ hai sẵn sàng hoạt động vào năm 2022.