Những nỗ lực đi tìm người ngoài vũ trụ

Con người ngày càng có nhiều cơ sở để tin rằng ngoài vũ trụ đang tồn tại một dạng sống “loài người 2.0”.

Kính viễn vọng Kepler, một thành tựu công nghệ tuyệt vời đã và đang giúp NASA tìm kiếm các dạng sống tương tự Trái đất ngoài không gian. Ảnh: NASA
Kính viễn vọng Kepler, một thành tựu công nghệ tuyệt vời đã và đang giúp NASA tìm kiếm các dạng sống tương tự Trái đất ngoài không gian. Ảnh: NASA

Đã từ lâu giấc mơ chinh phục vũ trụ đã “ám ảnh” biết bao nhiêu thế hệ. Kể từ khi phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô trở thành người đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ vòng quanh Trái đất; hay khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng và thốt lên: 

“Một bước đi nhỏ của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại” thì ngành khoa học vũ trụ của thế giới đã tiếp tục gặt hái nhiều thành công to lớn trong công cuộc khám phá khoảng không vô tận bên ngoài Trái đất. 

Năm 2015, khoa học kỹ thuật về không gian vũ trụ liên tiếp đạt được các thành tựu lớn, rút ngắn khoảng cách về mặt nhận thức của con người về Trái đất và “phần còn lại của vũ trụ”.

Người khổng lồ “không mệt mỏi” NASA

Trong trang mạng chính thức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) có viết: “Sự hứng khởi của nhân loại đối với thiên đường là không có giới hạn và vĩnh cửu. 

Loài người luôn bị thúc đẩy để khám phá những bí ẩn, phát hiện những thế giới mới, mở rộng những biên giới của khoa học và giới hạn của công nghệ và không ngừng đẩy những giới hạn đó xa hơn nữa. 

Sự khát khao khám phá và thách thức các giới hạn của những điều chúng ta đã biết và những nơi chúng ta đã đến đã luôn mang lại lợi ích cho xã hội suốt hàng thế kỷ nay”. 

Sara Seager - Giáo sư ngành vật lý và khoa học hành tinh tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Cambridge, nhận định: “Một lúc nào đó trong tương lai rất gần, người ta sẽ có thể chỉ lên một vì sao và nói rằng vì sao đó có một hành tinh như Trái đất. Các nhà thiên văn học tin rằng mỗi ngôi sao trong hệ thiên hà của chúng ta đều có ít nhất một hành tinh như thế”.

Kể từ khi được cựu Tổng thống Mỹ - ông Dwight D. Eisenhower cho thành lập vào năm 1958, công cuộc nghiên cứu của NASA về các hệ hành tinh xung quanh các vì sao trong hệ thiên hà đã phát triển không ngừng. 

Từ các trạm thiên văn trên mặt đất, ngành nghiên cứu vũ trụ đã lần lượt gửi vào vũ trụ các tàu thám hiểm gắn kính viễn vọng như Hubble (năm 1990), Spitzer (2003) và Kepler (2009). 

Mỗi kính viễn vọng lại có một sứ mệnh với tham vọng lớn hơn, từ thu giữ các hình ảnh của các thiên hà đến tìm kiếm những hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống như Trái đất. 

Theo NASA, các kính viễn vọng ngày nay đã đủ khả năng để không những cùng lúc quan sát nhiều vì sao, xác định các hành tinh bay quanh theo quỹ đạo mà còn xác định được liệu hành tinh đó có nằm ở khoảng cách thích hợp để có nước dạng lỏng và hỗ trợ sự sống hay không.

Nỗ lực chạm tay đến “sự sống ngoài hành tinh”

Liệu ngoài Trái đất, con người có thể tồn tại ở những hành tinh nào khác? Liệu có hành tinh nào cho đến nay vẫn chưa được phát hiện? Liệu có người ngoài hành tinh đang sinh sống ở ngoài vũ trụ đầy bí ẩn? 

Đó là số ít trong số hàng tá vấn đề liên quan đến vũ trụ mà thời gian gần đây con người bắt đầu có nhiều giải mã thú vị nhờ sự xuất hiện và trợ lực của tàu vũ trụ mang kính thiên văn sứ mệnh Kepler trị giá 600 triệu USD. 

Con tàu không gian này đảm nhiệm vai trò nghiên cứu sự đa dạng của hệ thống hành tinh trong dải ngân hà và tìm kiếm các hành tinh đá giống như Trái đất. 

Từ khi được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa vào sử dụng hồi tháng 3/2009, tàu không gian Kepler đã phát hiện hơn 1.000 hành tinh mới. 

Trong số đó, theo Sputnik News, có đến 12 hành tinh có kích thước gần gấp đôi Trái đất, bay theo quỹ đạo quanh một sao mẹ ở khoảng cách phù hợp (với sự sống) như kiểu quan hệ giữa Trái đất và mặt trời.

Mới nhất, theo hãng tin Reuters, NASA đã đưa ra tuyên bố tàu thăm dò vũ trụ Kepler đã phát hiện “Trái đất thứ hai” hay còn gọi là “phiên bản Trái đất 2.0” ngoài vũ trụ. 

Hãng tin CNN mô tả Trái đất 2.0 được đặt tên là Kepler-452b, cách hành tinh của con người khoảng 1.400 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Cygnus. 

Dẫn lại tuyên bố của NASA, CNN cho biết thêm Kepler-452b to hơn Trái đất khoảng 60% và nằm trong một khu vực có khả năng sinh sống quanh ngôi sao mẹ - tức nơi có khả năng có nguồn nước dạng lỏng nuôi dưỡng sự sống trên bề mặt hành tinh.

Điều khiến nhiều người quan tâm chính là sự tương đồng thú vị giữa hai phiên bản của Trái đất, dù đây chỉ mới là những thông tin ban đầu còn chờ khoa học giải quyết một cách thuyết phục.

Jon Jenkins - Nhà nghiên cứu của dự án Kepler - cho biết thêm khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao mẹ của nó xa hơn so với khoảng cách từ Trái đất đến mặt trời. 

Tuy nhiên, sao mẹ của nó sáng hơn (so với mặt trời) nên Trái đất 2.0 nhận được một lượng năng lượng tương tự như Trái đất nhận từ mặt trời. 

Rất có thể Kepler-452b có nhiệt độ thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt. Đây là điều cần thiết để hỗ trợ sự sống. Trái đất 2.0 này mất khoảng 385 ngày để quay quanh sao mẹ - hơn chỉ khoảng 20 ngày so với quỹ đạo 365 ngày của Trái đất quay quanh mặt trời. 

Trái đất 2.0 tồn tại trên quỹ đạo bay nói trên trong suốt thời gian khoảng 6 tỉ năm - theo Jenkins là đủ để hình thành sự sống.“Có cơ hội tồn tại sự sống nảy sinh tại Kepler-452b với điều kiện tất cả thành phần và điều kiện cần thiết cho sự sống tồn tại trên hành tinh” - Jenkins nhấn mạnh. 

Vị này hóm hỉnh bình luận thêm rằng: “Bây giờ Trái đất của chúng ta đã bớt cô đơn hơn một chút” vì đã xuất hiện người anh em.

“Cánh tay” chạm vũ trụ sẽ còn được nối dài

Trước sự “ra mắt” của Trái đất 2.0, Frank Drake - người được mệnh danh là “người săn lùng sự sống ngoài hành tinh” nổi tiếng nhất thế giới chia sẻ trên tờ fivethirtyeight.com rằng ông hoàn toàn tin tưởng rằng có sự sống ngoài Trái đất - “loài người phiên bản 2.0” và người Trái đất có thể tìm thấy nó, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. 

Trái đất 2.0 là một trong những bằng chứng mang tính hứa hẹn về “loài người 2.0” và Frank Drake tin rằng vẫn còn nhiều hành tinh khác lạc quan hơn cả “người anh em của Trái đất” mới được phát hiện này khi bàn về sự sống ngoài hành tinh.

Điều khiến Frank Drake trăn trở là liệu con người có khả năng nhận biết sự sống ngoài hành tinh (người ngoài hành tinh hay “loài người 2.0”) hay không khi tìm thấy chúng? 

“Người ngoài hành tinh không phải là những bản sao của loài người nhưng họ có nhiều sự tương đồng về khả năng, năng lực so với chúng ta” - Frank Drake nhận định.

Đơn giản như việc người ngoài hành tinh cũng sẽ có bộ phận nào đấy có chức năng tương tự như đôi bàn tay của con người để có thể xây dựng nên các công trình hay tạo ra mọi thứ họ muốn. 

Thậm chí con người có thể sẽ phát hiện ra những nền văn minh ngoài hành tinh hiện đại hơn Trái đất. Các dự báo của Frank Drake càng trở nên thuyết phục hơn khi theo NASA, đến năm 2017 cơ quan này dự định sẽ phóng vệ tinh săn hành tinh mang tên TESS. 

Đây được hứa hẹn là một “nhà thám hiểm vũ trụ khổng lồ” do con người tạo ra, cung cấp thêm cho các nhà khoa học chi tiết về kích cỡ, khối lượng, bầu khí quyển của những hành tinh có quỹ đạo bay quanh một ngôi sao. Đến năm 2018, NASA tiếp tục khởi động kính thiên văn không gian James Webb.

Loài người vừa quan sát hết toàn bộ Hệ Mặt trời

Cũng trong tháng 7/2015, NASA cho hay tàu vũ trụ New Horizons của cơ quan này đã đi vào lịch sử khoa học khi bay ngang qua Diêm Vương tinh xa xôi, hoàn thành bước quan sát toàn bộ hệ mặt trời. 

Dựa vào dữ liệu NASA cung cấp, tàu New Horizons lao đi trong không gian với tốc độ lên đến 50.000 km/giờ và bay ngang qua Diêm Vương tinh, gửi về Trái đất những “bức ảnh thế kỷ” tuyệt đẹp. 

Khoảng cách giữa Diêm Vương tinh và New Horizons chỉ còn 12.500 km. Chuyên gia Alan Stern cũng thuộc dự án New Horizons khẳng định: “Chúng ta đã hoàn thành bước quan sát toàn bộ hệ mặt trời”.

Theo phapluattp.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ