Tàu biển tự hành trang bị công nghệ AI đầu tiên trên thế giới

GD&TĐ - Mayflower 400, con tàu thông minh đầu tiên trên thế giới đang neo đậu ở Plymouth Sound (Anh) để chuẩn bị sứ mệnh thám hiểm xuyên Đại Tây Dương.

Tàu biển tự hành trang bị công nghệ AI đầu tiên trên thế giới

Mayflower 400 là một con tàu 3 thân, nặng 9 tấn, dài 15m, được trang bị hệ thống điều hướng hoàn toàn tự động, công nghệ AI và được gắn nhiều tấm pin năng lượng Mặt trời.

Trong hành trình này, con tàu thông minh được bao phủ bởi các tấm pin Mặt trời, sẽ nghiên cứu ô nhiễm môi trường biển và phân tích nhựa trong nước, cũng như theo dõi các loài động vật có vú sống dưới nước.

Với 80% thế giới dưới lòng đại dương chưa được khám phá, tàu Mayflower 400 sẽ còn rất nhiều việc để làm. Tàu tự hành này sẽ thu thập các thông tin và dữ liệu, đặc biệt hữu ích cho hoạt động vận tải thương mại đường biển.

Brett Phaneuf, người khởi xướng dự án Mayflower 400, tin rằng đại dương là nơi có tác động mạnh nhất tới khí hậu toàn cầu nên việc đầu tư nghiên cứu môi trường này sẽ giúp ích nhiều cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Rosie Lickorish, một chuyên gia về công nghệ mới tại IBM, đối tác tham gia dự án Mayflower 400, khẳng định tàu không người lái sẽ mang lại lợi thế lớn cho việc khám phá những môi trường chưa từng được biết đến, đặc biệt là những vùng biển xa xôi.

Nhiều nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ, hàng trăm cá nhân từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thụy Sĩ và Mỹ đã tham gia dự án này. Ban đầu, dự án ước tính tiêu tốn khoảng 1 triệu USD nhưng chi phí sau đó đội lên khoảng 10 lần. Liên doanh phi lợi nhuận sẽ cung cấp dữ liệu do dự án thu thập với cái giá hoàn toàn miễn phí. Thông tin có thể được sử dụng cụ thể cho tương lai của ngành vận chuyển thương mại.

Dự kiến, tàu sẽ khởi hành ngày 15/5 sau khi được giới chức Anh cấp phép, điểm đến là Plymouth, Massachusetts (Mỹ). Đây chính là hành trình mà chiếc Mayflower đầu tiên thực hiện năm 1620 chở đoàn người hành hương đi tìm miền đất mới - châu Mỹ. Tàu Mayflower 400 sẽ thực hiện hành trình này trong 3 tuần.

Trong khi chuyến đi của Mayflower 400 bị trì hoãn vì đại dịch, Phaneuf cho biết ít nhất sẽ không có ai bị ốm trong chuyến đi. “Sẽ không có ai cảm thấy buồn chán hay mệt mỏi hoặc ốm yếu trong hành trình không người này. Vì vậy, con tàu có thể làm khoa học bao lâu tùy thích” ông nói từ cảng Anh.

Meirwen Jenking-Rees, một sinh viên kỹ sư 21 tuổi, đã kiểm tra động cơ của con tàu trước khi nó tiến hành thử nghiệm trên biển. Việc chế tạo được tự động hóa từ bánh lái rô bốt điều khiển tới máy phát điện diesel bổ sung năng lượng Mặt trời mất một năm.

Xây dựng “thuyền trưởng thông minh”, trí tuệ nhân tạo trên tàu, thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn vì máy tính phải học cách xác định các chướng ngại vật hàng hải bằng cách phân tích hàng nghìn bức ảnh.

Mayflower 400 cũng phải được dạy cách tránh va chạm và có lần đầu tiên ra khơi. Kỹ sư người máy và phần mềm Ollie Thompson nói rằng, bằng cách chạy một số “kịch bản”, con tàu có thể học được “đâu là hành động tốt, đâu là hành động xấu, hành động an toàn và không an toàn”. Vì vậy, nếu nó mắc lỗi, con thuyền có thể tự sửa chữa và rút kinh nghiệm.

Con tàu tự động sử dụng “mắt” và “tai” - một hệ thống phức tạp gồm 6 camera và radar - để tiếp tục tự học. Do thiếu các quy định xung quanh việc triển khai thuyền không người lái, Mayflower 400 vẫn chưa được thử nghiệm trong điều kiện biển động hoặc có bão, một tình huống mà Jenking-Rees mô tả là “tình huống xấu nhất”.

Tuy nhiên, trong các thiết lập mô phỏng, thuyền thông minh đã phải đối mặt với những con sóng cao 50 mét.

Lickorish giải thích rằng, trí thông minh nhân tạo của con thuyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các thí nghiệm khoa học. Nhóm sẽ giám sát con tàu 24/24 từ Anh, sẵn sàng can thiệp từ xa trong trường hợp nguy hiểm.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.