Các thầy cô dành 2 đến 3 buổi/tuần ở lại để dạy kèm cho các em vào buổi chiều hoặc tối, thậm chí nhiều thầy cô đã đưa học sinh của mình về tận nhà để dạy kèm với mong muốn các em mỗi ngày thêm tiến bộ.
Lấp “lỗ hổng” cho tiếng Việt
Kbang là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai. Các trường tiểu học trên địa bàn đa phần nằm ở xa khu dân cư, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, cách trở nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, các thầy cô nơi đây đã không quản ngại khó khăn, hy sinh thời gian, công việc gia đình để ở lại trường dạy kèm thêm cho các em học sinh, chỉ với mục đích giúp các em nắm bắt được con chữ ngày càng tốt hơn, quyết không để một em nào bị “hổng” môn tiếng Việt.
Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang vào đầu giờ chiều, trái ngược với không khí vắng vẻ, im ắng trong sự tưởng tượng của mình vì được biết trường chỉ dạy chính khóa vào buổi sáng. Một không khí khá náo nhiệt, tiếng đánh vần rôm rả của học sinh hay tiếng cười đùa của các em vào lúc gần giờ ra chơi. Thầy Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, cho chúng tôi biết: “Đây chỉ là buổi học phụ đạo thêm cho các em thôi, trường vùng sâu, vùng xa học sinh ít nên trường chỉ tổ chức học chính khóa vào mỗi sáng các ngày trong tuần”.
Tại phòng học lớp 1 A1, cô giáo Trần Thị Thuê đang say sưa dạy chữ cho các em. Cô Thuê viết chữ lên bảng, sau đó yêu cầu các em vừa đọc, vừa viết theo.
Còn tại phòng học bên cạnh, cô Nguyễn Thị Minh Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 A2 đi đến từng em học sinh để chỉ bảo và kèm cho các em viết từng nét chữ. Không quản ngại đường sá xa xôi, cách trở, khoảng 30 km, cô Hòa (ở thị xã An Khê), hàng tuần vẫn ở lại dạy thêm cho các em từ 2 đến 3 buổi, đôi khi dạy cả tuần nếu thấy các em chưa tiếp thu được bài vở. “Mọi sinh hoạt của gia đình chủ yếu diễn ra vào buổi tối, từ việc soạn giáo án, chỉ cho các con học hay dọn dẹp nhà cửa…
Dù rất vất vả nhưng nhờ được sự chia sẻ của chồng con, sự tạo điều kiện tối đa của gia đình nên bản thân tôi cũng an tâm công tác. Thật tình, tôi thấy các em yếu quá nên thu xếp dạy kèm thêm cho các em thôi chứ không có một chế độ gì cả. Tất cả vì muốn các em mỗi ngày càng tiến bộ hơn, biết đọc, biết viết, thông thạo tiếng Việt để học xa hơn, điều đó làm chúng tôi vui rồi. Đó cũng chính là động lực giúp cho chúng tôi cố gắng hơn trong sự nghiệp gõ đầu trẻ”, cô Hòa vui vẻ nói.
Chia tay thầy trò Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, chúng tôi tiếp tục đến thăm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Krong (xã Krong) vào tối cùng ngày. Nằm cách trung tâm huyện Kbang chỉ khoảng 30 km nhưng đường đi sá đi lại còn khá vất vả.
Con đường ngoằn ngoèo, dốc dựng đứng, có đoạn bùn lầy và trơn trượt nên phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được nơi. Ngôi trường bán trú hiện ra trước mắt của chúng tôi khá khang trang và sạch đẹp. “Trường mới được huyện đầu tư xây dựng trên vị trí mới, gần trung tâm, đầy đủ tiện nghi hơn, thuận tiện cho việc dạy và học, cũng như đi lại của cả thầy và trò so với những năm trước đây” - thầy Dương Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Krong khoe.
“Dù là trường bán trú nhưng do điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn nên các em được bố trí ở lại trường. Ngoài các buổi học chính vào ban ngày, tối đến các thầy cô giáo lại thay nhau tổ chức dạy thêm miễn phí cho các em. Trung bình các thầy cô mỗi tuần dạy thêm từ 2 đến 3 buổi. Riêng những thầy cô ở gần trường thì ngoài việc dạy thêm trên lớp, giáo viên còn đưa các em về nhà để kèm thêm” - Thầy Phúc kể. Lớp của cô giáo Hương gồm 15 em, tập hợp các em học sinh yếu thuộc lớp 1 và 2. Nắn nót chỉ các em lớp 1 viết chữ, các em học sinh lớp 2 dãy lớp bên cạnh do gặp khó trong một phép tính, cứ thế, trong suốt cả buổi dạy thêm, cô Hương phải quay như chong chóng để hướng dẫn cho từng em một.
Cô Hương chia sẻ: “Tôi là người mới lập gia đình, có chút thuận lợi hơn các thầy cô khác vì chưa vướng bận chuyện con cái, lại ở gần trường nên tôi thường dành thời gian vào buổi tối (từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút) để dạy kèm thêm cho các em tại trường. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi thì tôi lại đưa 1 số học sinh còn yếu về nhà để kèm cặp thêm. Đôi khi cũng thấy áp lực vì công việc và mệt mỏi, tuy nhiên, nhờ được sự ủng hộ, động viên của chồng và sự tiến bộ của các em học sinh nên đã tạo thêm cho tôi động lực để tôi tiếp tục công việc dạy học của mình”.
Sự chuyển biến rất rõ nét
Theo thầy Trần Trung Trực, Phó phòng GD&ĐT huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, “Xuất phát từ thực tế của địa phương, ngành Giáo dục huyện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, trong đó ưu tiên việc dạy đọc và viết tiếng Việt trước. Một trong các giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực là khoán chất lượng cho các trường”.
Theo đó, đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện thành lập các đoàn kiểm tra đến các trường để khảo sát chất lượng. Sau khi có kết quả, các trường dựa vào đó sẽ cam kết trong năm học để nâng cao chất lượng học sinh như thế nào. Ví dụ như cam kết bao nhiêu em sẽ biết đọc, bao nhiêu em biết viết, đọc ở mức độ nào… Việc giao khoán như thế nào sẽ là căn cứ vào thực tế chất lượng học sinh của mỗi trường chứ không áp đặt hay chạy theo thành tích, thầy Trực nói thêm.
Thầy Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng cho biết, các giáo viên sau khi có kết quả khảo sát về năng lực, trình độ từng em học sinh sẽ đề ra mục tiêu và kế hoạch triển khai việc dạy thêm, dạy kèm nhằm nâng cao chất lượng và trình độ cụ thể của từng em. “Thực tế có nhiều em khi vào học lớp 1 rồi nhưng không biết cầm bút như thế nào. Có em lại chỉ biết nói tiếng địa phương. Ngay cả con số và mặt chữ cũng không hề biết. Bên cạnh đó, có khá nhiều em thường xuyên nghỉ học đã gây rất nhiều khó khăn trong việc dạy học của nhà trường”.
Để khắc phục, hàng ngày các thầy cô giáo phải chia nhau xuống tận các bản làng chở các em đi học. Có lúc còn tặng xe đạp, mua viết, sách vở cho các em để khuyến khích các em đến trường. Nhờ sự tận tâm, gần gũi, ân cần chỉ bảo cho các em từng tí một của các thầy cô, kể cả trong những buổi chính khóa hay dạy thêm mà các em đã có tiến bộ rõ rệt.
Nhiều em từ chỗ chán nản trong quá trình học tập do không biết đọc nay viết, đọc thành thục từ đó, các em rất hào hứng, say mê, siêng năng trong quá trình học tập. Không còn những buổi lên nương rẫy cùng bố mẹ, hay đi chăn bò sau 1 buổi học chính khóa ở trường như trước đây, giờ đây em Đinh Văn Trọng (học hình lớp 5A2, Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng) đều đặn mỗi ngày hai buổi đến trường để học con chữ.
“Trước đây, em không biết đọc, biết viết, chỉ muốn theo bố mẹ lên nương rẫy thôi nhưng được các thầy cô đến tận nhà để động viên, đưa em đến trường để học từng con chữ. Ngoài giờ học chính, em và các bạn được thầy cô chỉ dạy rất kỹ từng li, từng tí một trong các buổi dạy thêm, từ việc dạy cho cách đọc, cách viết nên giờ em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi”.
Theo ông Nguyễn Tiến Bình, chuyên viên Phòng GD&ĐT Huyện Kbang, phụ trách bậc Tiểu học, hồ hởi cho chúng tôi biết: “Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi tiến hành khảo sát trên 3.000 học sinh dân tộc thiểu số từ lớp 2 trở lên thì có tới 1.100 học sinh đọc cực yếu môn tiếng Việt. Trong đó, có 1 nửa mù tịt, 1 nửa chỉ biết âm vần. Sau 2 năm triển khai khoán chất lượng thì đã được nâng lên rất đáng kể, hiện nay tình trạng ấy đã không còn.