Tất cả vì học trò
Tốt nghiệp sư phạm, cô Đỗ Thị Hồi được phân về Trường tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trường đóng ở vùng đặc biệt khó khăn, cách thị trấn 15 km, đi lại khó khăn. Học sinh ngày ngày đến lớp thiếu sách vở, dụng cụ học tập, quần áo rách rưới, không đủ sạch, không đủ ấm. Có em phải bỏ học giữa chừng vì kế sinh nhai của gia đình… Điều kiện sống của người dân và những đứa trẻ nơi đây thôi thúc cô giáo trẻ khi đó phải thật nỗ lực, phải làm thật tốt để giúp đỡ học sinh được nhiều nhất có thể.
Cô Hồi vẫn nhớ như in ngày đó, những ngày bản thân miệt mài với công việc bất kể giờ nào, bất kể làm việc gì để giúp đỡ được học sinh. Cô tìm hiểu cặn kẽ mỗi học sinh trong lớp, để có phương pháp thực sự phù hợp với từng em; phân hóa đối tượng ngay trong từng giờ giảng; quan tâm đặc biệt đến học sinh khó khăn về học tập, giúp các em tiến bộ…
Ngoài giờ dạy chính khóa trên lớp, cô Hồi thường ở lại mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút kèm thêm cho những học sinh còn còn hạn chế về môn học. Có học sinh đôi khi không thể đến lớp đầy đủ do phải giúp mẹ trông em, cô tìm đến tận nhà giúp ôn lại kiến thức bị hổng. Học sinh ở gần nhà, buổi tối cô tranh thủ đến nhà các em vận động phụ huynh, học sinh cho mình phụ đạo miễn phí.
Trong lớp cũng có một số học sinh ở xa, không ai đưa đón đi học, nhất là những ngày học buổi hai. Cô Hồi đã đón học sinh về cùng mình buổi trưa và năm nào cũng có từ 2 đến 3 học sinh như vậy ở lại nhà cô. Nhờ vậy, lớp cô chủ nhiệm không học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường.
Cô Hồi chia sẻ, trong hành trang đi dạy của bao giờ cũng có những cây bút, cuốn vở, cục tẩy, để mỗi khi học sinh hết đột xuất sẽ sẵn cho các em học có cái để học liền. Bền bỉ như vậy, đến nay đã 30 năm trong nghề, cô đã giúp rất nhiều học sinh khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập.
Tuy nhiên, sức lực có hạn, biết chỉ một mình sẽ khó có thể hỗ trợ được học trò nghèo hiệu quả, cô Hồi bắt đầu hành trình vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tiếp bước các em đến trường.
Chỉ tính 10 năm gần đây, cô đã hỗ trợ và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ quỹ “Vì học sinh nghèo”, quỹ “Khuyến học” với 68 suất học bổng - tổng số tiền 68 triệu đồng; 10 chiếc xe đạp trị giá 15 triệu đồng; 2.500 cuốn vở; 230 đôi dép; 150 chiếc cặp; 3,5 tấn gạo; 250 bộ quần áo; 30 bộ sách giáo khoa mới; 500 thùng nước lọc và nhiều bộ quần áo, sách giáo khoa đã qua sử dụng...
Cô cũng làm tốt việc vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm thiết bị cho hoạt động của trường, của lớp để học trò có điều kiện học tập tốt hơn.
Cô Đỗ Thị Hồi - một trong 400 nhà giáo tiêu biểu năm 2022 - tham dự Chương trình "Thay lời tri ân". |
Cô giáo đa năng
Yêu công việc của mình và luôn tràn đầy nhiệt huyết, cô Đỗ Thị Hồi không chỉ được biết đến là một giáo viên dạy tốt, hết lòng vì học trò. Bản thân cô tham gia vào nhiều hoạt động khác của địa phương, nhà trường và ở vai nào cũng ghi được dấu ấn.
Từ năm 2004 đến năm 2006, cô Hồi tự vận động và tự mở 1 lớp với 13 học viên, ấp, xã vận động 2 lớp với 27 học viên vào buổi tối, xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân địa phương. Có những học viên ngại không đến lớp, cô sẵn sàng đến tận nhà để dạy học.
“Có năm, buổi tối tôi thường xuống thuyền của người buôn trái cây trên sông để giúp hai chị em xóa mù chữ dưới ánh đèn điện được dùng bằng bình ắc quy trên chiếc thuyền chật hẹp. Có hôm nước cạn thuyền sát đáy sông việc lên bờ cũng hết sức khó khăn nhưng vì bản năng gieo chữ, vì tình thương tôi vẫn cố gắng vượt qua.” - cô Hồi nhớ lại.
Riêng với các hoạt động ở trường, cô Hồi tham gia rất tích cực. Như phong trào viết chữ đẹp cấp trường, cô chủ động luyện tập, lựa chọn học sinh và trở thành lớp đạt nhiều giải cấp trường, cấp thị xã và công nhận cấp tỉnh. Phong trào chúng em kể chuyện Bác Hồ, lớp cô cũng đạt giải cao...
Từ năm 1997 đến năm 2021, cô Hồi đã 20 lần được công nhận là giáo viên giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã. Đúc kết những kinh nghiệm viết thành sáng kiến để chia sẻ cùng đồng nghiệp, cô có đến 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh.
Nhờ những cố gắng không ngừng, cô từng được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng” cấp thị xã, giải thưởng “Võ Trường Toản” do Sở GD&ĐT và Báo Tuổi trẻ bình chọn. Năm 2017, cô được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.