Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về GD&ĐT

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng 6 văn bản, đã hoàn thành 5 văn bản, đạt 83,33% (bình quân của Chính phủ năm 2018 là 82,66%).

Về việc thực hiện Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT, trong năm 2018, các đơn vị được giao xây dựng 61 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng. Kết quả hoàn thành là 54/61 văn bản, đạt 88,52%.

Bộ GD&ĐT đã trình ban hành một số văn bản quan trọng của ngành Giáo dục. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đồng thời hai Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục sửa đổi); trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng 10 văn bản; kết quả hoàn thành là 6/7 văn bản, đạt 85,71%. Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 7; trình Chính phủ 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đúng thời hạn được giao; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết của Chính phủ và 4 đề án của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ đã trình ban hành được 5 văn bản ngoài chương trình công tác.

Các đại biểu dự hội nghị công tác pháp chế ngành Giáo dục năm 2019
Các đại biểu dự hội nghị công tác pháp chế ngành Giáo dục năm 2019 

Năm 2019, các đơn vị được giao xây dựng 71 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng (trong đó 8 tháng đầu năm là 15 văn bản). Kết quả: 12/15 văn bản, đạt 80% (đã ban hành 11 văn bản; đã trình 01 văn bản; đang soạn thảo 3 văn bản). Ngoài ra, các đơn vị đã ban hành được 6 Thông tư ngoài chương trình công tác...

Nhận định của Vụ Pháp chế, công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT được triển khai một cách đồng bộ, bài bản theo các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ như: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường của Nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế...

Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ mặc dù đã được thực hiện theo quy trình tương đối chặt chẽ, tuy nhiên, khi các đơn vị đề xuất xây dựng văn bản chưa rà soát, đánh giá sự cần thiết, cơ sở pháp lý ban hành và lựa chọn thứ tự ưu tiên, nên một số văn bản đề xuất chưa đảm bảo tính khả thi.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được tiến hành thường xuyên nhưng chưa đảm bảo tiến độ theo quy định; các đơn vị chưa chủ động, tập trung thực hiện công tác rà soát và sử dụng kết quả rà soát trong việc đề xuất việc soạn thảo văn bản vào Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ. Việc xử lý văn bản sau rà soát chưa được quan tâm đúng mức…

Trong năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục xác định việc xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu của Bộ.

Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về GD&ĐT: các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục; các văn bản rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản đã ban hành hoặc đang soạn thảo cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và thực tiễn thi hành nhằm đảm bảo thống nhất và đồng bộ để văn bản đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ