(GD&TĐ)-Đó là một trong 6 giải pháp chính mà Bộ Tài chính đề ra nhằm điều hành giá 5 tháng cuối năm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá cả tăng cao khiến cho người tiêu dùng khó khăn khi lựa chọn sản phẩm phù hợp với thu nhập (ảnh MH) |
Hai tháng gần đây, đặc biệt là tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thậm chí mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 17% như yêu cầu đặt ra của Chính phủ đang gặp nhiều thách thức.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế này, bên cạnh các yếu tố về giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao kéo theo sự tăng giá của thị trường trong nước; yếu tố bỏ tiền ra mua ngoại tệ để tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc kể từ 1/6 thì có một yếu tố rất quan trọng là thực phẩm. Sự suy giảm của các đàn gia súc (trâu, lợn, bò) gia cầm vẫn chưa khắc phục được nên giá thực phẩm tăng rất cao. Mà đây lại là mặt hàng chiếm quyền số lớn (trên 25%) nên giá thực phẩm 2,29% đã kéo mặt bằng giá tăng theo.
Theo đó, giải pháp thứ nhất là tập trung giải quyết các vấn đề từ gốc của giá cả là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ hai, Kiên định thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm khống chế tổng cầu của nền kinh tế mà Nghị quyết 11/NQ-CP đã đề ra.
Thứ ba, Bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hoá, dịch vụ trong mọi tình huống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Sắp xếp lại tổ chức mạng lưới lưu thông hợp lý, tránh đẩy chi phí lưu thông tăng cao.
Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp về tiếp cận vốn, lãi suất, thuế… cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển để tăng cung cho thị trường, giảm chi phí tạo ra cơ hội giảm sức ép đẩy giá tăng.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường giá cả. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối.
Thứ năm, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; tiếp tục có lộ trình thích hợp để xoá bao cấp qua giá đối với các loại hàng hoá dịch vụ còn bao cấp và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát như: điện, xăng dầu, nước sạch, than bán cho điện…đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương biện pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm anh sinh xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, giảm thiểu các yếu tố tâm lý, kỳ vọng tăng giá trên thị trường.
Bộ Tài chính cho biết, nhằm kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 17% như chỉ tiêu của Chính phủ đề ra, Bộ đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm trước tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tập trung vào 5 giải pháp như sau:
Hiện nay tốc độ tăng giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát (6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,87%). Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan với vấn đề này vì hiện chỉ số giá đã tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố gây sức ép lên chỉ số giá như: giải ngân 6 tháng cuối năm sẽ phải tăng do 6 tháng đầu năm đạt thấp; nhu cầu hàng hoá dịch vụ tăng cao trong dịp Tết, trong khi hiện nay dịch bệnh, thiên tai đang diễn biến khó lường....Việc Bộ Tài chính đề ra 6 giải pháp trên trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Vấn đề là phải đôn đốc thực hiện các giải pháp trên đồng bộ, triệt để thì mới đạt được mục tiêu đề ra.
Xuân Hương