Đợt tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng với sự tham gia của gần 600 thầy, cô giáo là cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi Có thể” do Bộ GD&ĐT và sở GD&ĐT các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng triển khai tại các vùng có học sinh dân tộc thiểu số, với sự hỗ trợ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) và tập đoàn CJ của Hàn Quốc. Dự án kéo dài 3 năm, được triển khai thí điểm tại 24 trường THCS ở ba tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Phát biểu khai mạc tập huấn, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Lứa tuổi học sinh THCS là giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn với rất nhiều những chuyển biến tâm lý đa dạng và phức tạp.
Do vậy, những học sinh ở lứa tuổi này đều cần có sự giúp đỡ của người lớn để có thể ứng phó được với “khủng hoảng” tâm lý trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách. Điều này có nghĩa là học sinh ngày nay đang có nhu cầu được tư vấn tâm lý học đường.
Nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trong trường học, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, có quy định hoạt động bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện đối với cơ sở giáo dục; biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường; biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường; biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới cho học sinh.
Ngày 18/12/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Để triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh.
Tiếp đó, ngày 24/8/2020, Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục đã nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có nội dung về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh.
Để triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả, ông Hoàng Đức Minh lưu ý các cán bộ, giáo viên cần chú ý sử dụng các hình thức, phương pháp, từ ngữ dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh THCS theo từng độ tuổi; phù hợp với trình độ và văn hóa của từng dân tộc ở cộng đồng, địa phương.
“Thông qua khóa tập huấn này, chúng tôi mong muốn trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản để hỗ trợ người làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường THCS” – ông Hoàng Đức Minh cho hay.