Ngày 2/11, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn công tác pháp chế ngành giáo dục năm 2023.
Hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Nha Trang với sự tham dự của gần 300 cán bộ làm công tác pháp chế của các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.
Công tác pháp chế trong cơ sở giáo dục rất quan trọng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, công tác pháp chế ngành giáo dục đã được triển khai một cách tích cực, toàn diện, kịp thời và đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác pháp chế đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành giáo dục ở Trung ương cũng như ở địa phương.
Theo Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, công tác pháp chế là công tác của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Do đó, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần quán triệt quan điểm này.
Đối với các Sở GD&ĐT, với nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo trên địa bàn, công tác pháp chế rất quan trọng. Các Sở GD&ĐT phải hiểu rõ, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách giáo dục.
Với các cơ sở giáo dục đại học, dù không có chức năng quản lý nhà nước nhưng đang ban hành nhiều văn bản nội bộ để thực hiện quyền tự chủ đại học.
Để các trường ban hành các văn bản phù hợp, đúng thẩm quyền, đòi hỏi năng lực của đội ngũ cán bộ pháp chế, phải thật sự am hiểu pháp luật và có sự cẩn thận, chặt chẽ trong công tác tham mưu.
Đây có thể xem là những người “gác cửa” cho Hội đồng trường, Ban giám hiệu để thực hiện tốt công việc xây dựng pháp luật.
Các đại biểu tham gia hội nghị tập huấn về công tác pháp chế. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hội nghị được nghe giới thiệu, trao đổi về một số văn bản pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến những công việc cụ thể của ngành giáo dục như: pháp luật về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; việc xây dựng các văn bản nội bộ của các cơ quan, đơn vị; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức bộ máy tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Với tầm quan trọng của hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quán triệt việc lựa chọn các báo cáo viên phải đảm bảo là những người tâm huyết, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý giáo dục, công tác pháp chế. Đây cũng là những người trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật của Bộ GD&ĐT trong từng lĩnh vực cụ thể.
Nâng cao kỹ năng công tác pháp chế
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT, hội nghị tập huấn công tác pháp chế ngành giáo dục năm 2023 xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bồi dưỡng lãnh đạo và đội ngũ những người làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học.
Hội nghị cũng đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn về công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các công tác khác của công tác pháp chế.
Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng thực hiện công tác pháp chế cho cán bộ làm công tác này.
Ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình bày báo cáo về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức bộ máy tại cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo chương trình, hội nghị diễn ra trong 2 ngày 3-4/11 với các báo cáo viên đến từ Bộ GD&ĐT, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Một số báo cáo đáng chú ý như: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức bộ máy tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay (ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT); Lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo và các quy định về quyền, nghĩa vụ và các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT); Vai trò của công tác pháp chế trong việc quản lý và chỉ đạo điều hành tại đơn vị, Vai trò của nghiệp vụ công tác pháp chế đối với tự chủ đại học (bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT)...