Tạo sinh kế bền vững - hướng đi quan trọng giúp bà con thoát nghèo

GD&TĐ -Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tạo sinh kế bền vững - hướng đi quan trọng giúp bà con thoát nghèo.
Tạo sinh kế bền vững - hướng đi quan trọng giúp bà con thoát nghèo.

Mục tiêu xuyên suốt

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án.

Triển khai dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 – 2023, huyện Phú Lương đã phê duyệt 6 dự án, thực hiện 07 mô hình tại 5 xã (nuôi bò lai Sind tại xã Yên Trạch, Động Đạt; nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương; Nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ).

Trong đó, có 05 dự án thực hiện tại 5 xã theo phương thức cộng đồng; 01 dự án thực hiện tại 02 xã Yên Trạch và Phủ Lý theo phương thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Tổng số hộ được hỗ trợ thụ hưởng 111 hộ (81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng), gồm: 43 con trâu sinh sản cho 43 hộ, 52 con bò sinh sản cho 52 hộ, 160 con dê sinh sản cho 16 hộ.

Được hỗ trợ trâu giống từ dự án thuộc chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững anh Hoàng Văn Chung, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương không giấu nổi niềm vui và xúc động. Anh Chung chia sẻ: Tháng 6 năm 2023, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cho một con trâu giống. Với lợi thế chuồng trại rộng, nguồn thức ăn sẵn có, chăn trâu rất phù hợp với điều kiện tại địa phương, nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể. Đối với những hộ nghèo như chúng tôi, được hỗ trợ trâu giống như này là rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho gia đình có thêm nguồn thu nhập, từ đó có thể thoát nghèo và phát triển kinh tế của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Huân SN 1979 người dân tộc Tày, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương vui mừng khi được nhận được hỗ trợ.jpg
Bà Nguyễn Thị Huân SN: 1979 người dân tộc Tày, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương vui mừng khi được nhận được hỗ trợ.

Đem lại hiệu quả thiết thực

Còn tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, những năm qua, nhiều hộ dân xã Ôn Lương đã được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó, mô hình điểm về dự án hỗ trợ nuôi trâu sinh sản từ chương trình giảm nghèo bền vững của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện giảm nghèo tại địa bàn.

Trong quá trình thực hiện dự án, người dân được tập huấn, hướng dẫn trồng cỏ, làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho trâu... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tiêm phòng và hướng dẫn cách chống đói cho con giống.

Bà Nguyễn Thị Huân (SN: 1979) người dân tộc Tày, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương cho biết: Tháng 9 năm 2023 gia đình tôi được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản. Nhờ có cán bộ thú y xã hướng dẫn, gia đình tôi đã cố gắng chăm sóc tốt để con trâu khoẻ mạnh và phát triển bình thường.

Gia đình tôi vui lắm, không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, hỗ trợ đồng hành cùng người nghèo để chúng tôi nỗ lực vượt khó vươn lên. Chị Huân chia sẻ thêm.

Ông Phan Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương, huyện Phú Lương khẳng định: Chương trình MTQG về giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua triển khai thực hiện Chương trình, địa phương đã nhận thức rõ hơn về những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Tổ chức thực hiện lồng ghép, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn.

Qua đó, tạo thuận lợi cho địa phương tổ chức thực hiện đúng những quy định về quản lý đầu tư xây dựng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ các ngành đến cơ sở theo sự phân công đã triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách, dự án của Chương trình đạt mục tiêu của Đề án. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể góp phần thực hiện có kết quả những nội dung của chương trình giảm nghèo.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý thức vươn lên tự lập trong cuộc sống, việc họp xét đưa vào diện hộ nghèo phải chính xác, khách quan.

Ngoài ra, có kế hoạch khảo sát độ tuổi lao động và lao động hàng năm của các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có việc làm, các ngành, đoàn thể tư vấn giới thiệu việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tăng cường công tác khuyến nông và hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm làm kinh tế để họ thoát nghèo có thu nhập ổn định.

Bám sát văn bản chỉ đạo cấp trên, UBND xã chủ động cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, nhất là giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ tham mưu, trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình đạt chất lượng, hiệu quả, kế hoạch đề ra.

Đồng thời, phát huy vai trò mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay xây dựng các chương trình mục tiêu, nhất là chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.