Tạo sân chơi cho giáo viên

GD&TĐ - Cùng với quá trình đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát triển toàn diện năng lực cho HS từ kiến thức – kỹ năng – khả năng vận dụng, các sân chơi cho HS ngày càng đa dạng và phong phú. Tạo sân chơi cho HS, giáo viên phụ trách cũng gánh thêm trách nhiệm để các hoạt động này đạt hiệu quả giáo dục. Thế nhưng, với đặc thù nghề nghiệp, rất khó để có thể tạo dựng và duy trì sân chơi giúp giáo viên giải tỏa và tái tạo năng lượng.

GV và HS ngành GD-ĐT quận Sơn Trà tham gia đi cà kheo trong chương trình Vũ hội đường phố.
GV và HS ngành GD-ĐT quận Sơn Trà tham gia đi cà kheo trong chương trình Vũ hội đường phố.

Vũ hội đường phố sôi động

Năm 2017, Phòng GD&ĐT Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức chương trình Vũ hội đường phố ở công viên phía Bắc Cầu Rồng và đường Trần Hưng Đạo, chào mừng 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 thầy cô giáo và HS các cấp trên địa bàn quận.

Ngoài tham gia khiêu vũ với các vũ điệu Chachacha, Rumba, Tango và Bachata, chương trình còn có màn biểu diễn đi cà kheo của GV và HS với các trang phục truyền thống. Đây là một hoạt động có tính mở, hướng tới cộng đồng của ngành GD-ĐT Sơn Trà – nơi có nhiều điểm du lịch và lượng khách lưu trú lớn của TP Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà - cho biết, gần như 100% cán bộ, GV của giáo dục Sơn Trà đều tự tin khi tham gia khiêu vũ.

“Quận Sơn Trà thường tổ chức chương trình Vũ hội đường phố, trong đó, ngành Giáo dục cũng có một đội tham gia. Nhưng chỉ có một số thầy cô giáo biết khiêu vũ còn những GV khác, khi khách du lịch mời tham gia vào đội hình thì chỉ biết lắc đầu ngần ngại. Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT đã mời giáo viên dạy nhảy cho những GV có năng khiếu ở các trường và họ sẽ dạy lại cho hội đồng sư phạm của nhà trường.

Đây cũng là cách xây dựng sân chơi cho GV bởi nếu chỉ tổ chức các hội diễn văn nghệ thì chỉ có một số GV có năng khiếu tham gia chứ rất khó thành một hoạt động tập thể”.

Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) có một cách làm khác khi cứ luân phiên một năm tổ chức Hội trại truyền thống, năm sau lại tổ chức Hội thao nhà giáo và tổ chức giao lưu bóng đá.

Hội trại được tổ chức thành các tiểu trại liên trường gồm cả 3 bậc học: Mầm non, tiểu học, THCS cùng trên địa bàn phường. Các trại viên cùng tham gia các hoạt động tập thể như: Biểu diễn dân vũ, team building, thi thời trang, thi tài năng và phải giới thiệu được các trường trong tiểu trại.

Một số trường trên địa bàn quận Hải Châu như Trường Mầm non Dạ Lan Hương còn tổ chức cho GV học yoga vào sau giờ dạy trong ngày, Trường Tiểu học Lý Công Uẩn duy trì câu lạc bộ khiêu vũ cho các GV tham gia.

Tiết mục khiêu vũ của GV ngành GD-ĐT quận Sơn Trà (Đà Nẵng)
  • Tiết mục khiêu vũ của GV ngành GD-ĐT quận Sơn Trà (Đà Nẵng)

Giảm căng thẳng và quá tải cho giáo viên

Tại Ngày hội HS quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), các giáo viên cũng có một gian hàng tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống, trình diễn hát bài chòi, viết thư pháp.

Các thầy cô giáo có được một ngày “xả hơi” thực sự khi hòa mình cùng với HS thi gói bánh chưng, thi trình diễn thời trang các dân tộc Việt Nam, cổ vũ các đội thi đi cà kheo, dân vũ, nhảy bao bố, kéo dây…

Không hiếm những HS bất ngờ vì phát hiện ra những hình ảnh rất gần gũi của thầy cô giáo, HS và GV vì vậy cũng có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Với hình thức tổ chức Hội trại truyền thống cho GV như cách làm của Phòng GD&ĐT Hải Châu, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu, các thầy cô giáo tạm gác những công việc chuyên môn với giáo án, bài giảng, sổ sách, chấm bài… để hòa mình vào các hoạt động tập thể đòi hỏi sự khéo léo, năng khiếu hoặc đơn giản chỉ cần GV nhập cuộc “hết mình”.

Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu - cho biết: “Đây cũng là dịp để GV giữa các trường có cơ hội giao lưu, kết nối với nhau; và thông qua cách tham gia các hoạt động tập thể, các GV cũng có thêm nhiều kinh nghiệm để tổ chức các hoạt dộng nhóm cho HS”.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu - cho rằng, không giống với các ngành khác, đặc thù nghề nghiệp cùng với sự eo hẹp về kinh phí, ngành GD-ĐT rất khó để tổ chức các hoạt động mang tính chất giải trí thuần túy cho GV. Có một số hoạt động tổ chức cho HS tham gia cũng có thể kết hợp là “sân chơi” sáng tạo cho GV như Ngày hội tái chế, Ngày hội văn hóa dân gian…

Cũng đồng ý với ý kiến này, bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành - cho biết, từ nguồn quỹ của Công đoàn, BGH nhà trường và Công đoàn phải tính toán rất khéo léo mới có thể tổ chức cho GV những chuyến đi chơi ngắn từ 1 - 2 ngày, giúp GV giải tỏa áp lực và tái tạo năng lượng. “Và vì GV bậc tiểu học hầu hết là nữ nên cũng phải tính thế nào để các cô có thể cho con nhỏ đi cùng để không phải vướng bận chuyện nhà” – bà Nguyệt chia sẻ. Thế nhưng, không phải trường học nào cũng có kinh phí để tạo điều kiện cho GV đi nghỉ dưỡng, thăm quan, du lịch trong dịp hè chứ chưa nói đến vào các dịp nghỉ lễ.

Bà Lữ Thị Kim Hoa nêu quan điểm rằng, không thể coi các hoạt động như thi GV dạy giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, thiết kế bài giảng điện tử… là những sân chơi cho GV được bởi đây thực sự là những hoạt động mang tính chất nghiệp vụ, thậm chí là GV phải đầu tư thời gian và công sức vào các hoạt động này rất nhiều. Chính vì vậy, việc tạo ra các sân chơi thuần túy dành riêng cho GV là điều mà các cán bộ quản lý cần phải nghĩ đến để giảm tải sự căng thẳng và áp lực trong nghề nghiệp cho GV. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ